Nhớ hồi xưa học luật, từ Đại học Luật đến cao hơn, toàn mấy thầy cô ngoài miền Bắc xhcn dạy. Tên tuổi bằng cấp giáo sư tiến sĩ nghe thấy “vinh vênh” và tất cả các “cây đa, cây đế” đều dạy rằng các tổ chức trọng tài quốc tế, Tòa án công lý La Haye, Tòa Hình sự quốc tế… đều không có biện pháp chế tài. Nghĩa là khi bên A kiện bên B, phán quyết B thua kiện nhưng phán quyết đó không thực thi được khi bên B không chấp hành. Kiểu hành xử là “tao rút về nhà tao, đố mày dám vào nhà tao”. Chính từ quan điểm này, có các quan chức rất cao chỉ đạo các vụ bắt người trên lãnh thổ nước khác đem về trong nước và sau này, lãnh chịu hậu quả mới biết sai lầm. Đó là hậu quả của việc tự rút vào hang quá nhiều năm và khi đã hội nhập với thế giới nhưng tư duy chưa thoát khỏi khu rừng nơi đã sinh ra. Nhất là bên thua kiện là chính phủ một quốc gia có chủ quyền thì “tao thách mày đánh nhau với tao vì tao có truyền thống chống ngoại xâm”. Hậu quả tai hại của các giáo sư tiến sĩ luật đã dạy bao nhiêu năm trong môn Luật quốc tế và làm cho bao nhiêu người hiểu sai về các chế tài quốc tế.
Chuyện Luật Trọng Tài Thương mại (QH12 17/6/2010) thì lại khác. UNCITRAL, là Ủy ban Pháp Luật Thương mại Liên hiệp quốc, ban hành Luật Trọng tài thương mại mẫu để áp dụng cho các nước thành viên WTO. Các nước đem về trình quốc hội thông qua; còn Việt Nam đem về chế lại một số điều khoản. Phán quyết của Trọng tài thương mại, theo luật pháp Việt nam có thể bị Tòa án hủy khi một bên kiện ra Tòa, bởi quan điểm Trọng tài thương mại là tổ chức tư nhân, là loại hình Hợp danh, còn Tòa án là của đảng và nhà nước. Chính tư duy của các giáo sư, tiến sĩ luật quốc tế (thực chất là soviet law) về tính “sở hữu toàn dân” và nhà nước toàn trị đã tạo nên cách hành xử coi khinh tư nhân. Qua giảng dạy nhiều năm, nhiều khóa tạo nên những quan chức thiếu hiểu biết về chế tài quốc tế. Nguyên tắc luật quốc tế, là “tôn trọng các cam kết quốc tế -Pacta Sunt Servanda”, không phân biệt tư nhân hay nhà nước, cá nhân hay chính phủ.
Tòa Trọng tài Thương mại Paris được thành lập bởi Quy tắc Hội đồng của UNCITRAL. Phán quyết của Tòa này là chung thẩm, không kháng án. Theo tố tụng trọng tài, các bên cam kết giữ bí mật để thực thi phán quyết, giữ danh dự cho các bên. Theo diễn tiến vụ kiện, lần đầu ông Bình kiện ra Trung tâm Trọng tài Thương mại Singapore. Phán quyết của Tòa này buộc phía Chính phủ Việt Nam trả lại tiền đầu tư cho ông ta nhưng sau đó, phía Việt Nam trả cho ông ta tượng trưng nên ông Bình kiện tiếp ra Tòa Trọng tài Paris. Vì sao vậy? Phán quyết của Trọng tài Singapore có giá trị pháp lý nhưng các giải pháp chế tài không áp phê. Như đã viết, các tòa Trọng tài thương mại đều là tổ chức tư nhân phi chính phủ, thì đẳng cấp uy tín của Tòa Trọng tài là vấn đề cần phải lựa chọn theo án phí. Tòa Trọng tài Thương mại Paris, án phí cao hơn Trung tâm Trọng tài Thương mại Singapre. Mà uy tín đẳng cấp của họ được chứng minh bởi tính công lý và biện pháp chế tài.
Trong vụ kiện năm 2015 tại Tòa TTTM Paris, phía Chính phủ VN thuê các luật sư của Pháp biện hộ; còn phía ông Trịnh Vĩnh Bình thuê các luật sư Mỹ biện hộ. Thậm chí, ông Bình lo xa phòng khi ông ta bị “tiêu’ giữa chặng đường kiện cáo, ông đã ủy quyền cho tổ chức này, kể cả thừa kế tới đời con cháu theo đuổi vụ kiện. Phía Chính phủ Việt Nam thuê nhóm luật sư Pháp rất giỏi nên đã giảm mức trả tiền, từ việc ông Bình đòi 1,25 tỷ usd xuống còn hơn 47 triệu usd. Phán quyết đưa ra ngày 30.8.2017 và các bên có nghĩa vụ thực thi khi đã tự nguyện cam kết tuân thủ phán quyết, theo nguyên tắc Pacta Sunt Servanda, tự nguyện tuân thủ cam kết một cách thật sự thiện chí. Và nếu như vụ việc cứ theo đúng phán quyết, các bên tự giác tuân thủ thì không ai biết cả để giữ gìn danh dự cho các bên. Chỉ khi nào một bên không chịu thi hành phán quyết thì giải pháp ban đầu là Tòa Trọng tài Paris công khai ban hành. Các bước tố tụng là như vậy, phán quyết đầu giữ bí mật cho các bên để thực hiện, nếu không thực hiện thì phán quyết thứ hai là ban hành công khai. Khi công khai phán quyết như vậy, chỉ số uy tín quốc gia bị giảm, đầu tư giảm, cán cân thương mại quốc gia bị lệch sâu bởi các việc vay tiền quốc tế chịu lãi suất khủng khiếp; hàng hóa xuất khẩu gặp nhiều rủi ro hơn.
Nhưng đó chỉ là bước đầu. Do Tòa Trọng tài TM Paris có đẳng cấp và uy tín, sức ảnh hưởng với các tổ chức quốc tế khác, với hệ thống tòa án của toàn khối EU rất mạnh và ảnh hưởng tới Chính phủ các nước. Theo Công ước New York (Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài) mà Việt nam tham gia thì Tòa Trọng Tài TM Paris hoàn toàn có quyền ủy thác tới các Tòa án và thông qua các tổ chức tiền tệ thế giới như WTO bằng ảnh hưởng tới chính phủ các quốc gia. Thí dụ Tòa Trọng tài TM Paris làm công văn ủy thác cho một tòa án bất kỳ quốc gia nào (không kể quốc gia đó theo trường phái Common law hay Continantal law, nếu như Tòa án đó nhận thấy đó là Lẽ Phải và Luật Công Bằng, họ sẽ ban hành trát lệnh tịch thu tài sản. Do hầu hết các quốc gia đều có nhà nước pháp quyền, nên Tòa án có thẩm quyền rất lớn, lệnh cả cho cảnh sát nước sở tại bắt giữ phương tiện máy bay, tàu thuyền và tịch thu hàng hóa để thanh lý trả cho bên kia. Việc thực thi này, thông qua qua chế định quản tài viên.
Khi ra biển lớn hội nhập quốc tế phải tuân thủ luật chơi của thế giới mà luật chơi này đã có từ khi loài người xuất hiện và quan hệ xã hội với nhau. Đó là giữ lời hứa, là tuân thủ cam kết; mà việc giữ lời hứa “Pacta Sunt Servanda” đến một đứa trẻ cũng biết. Đã qua thời múa gậy rừng hoang từ lâu lắm rồi nhưng tư duy chèo thuyền thúng trong vũng ao làng vẫn chưa hiểu đại dương là gì; khi còn 0.4 mà tưởng là 4.0 thời công nghệ. Có lẽ, các thầy cô giáo sư tiến sĩ luật ngày xưa cần trở về thời thơ ấu để học lại thời sinh viên, hiểu về chế tài luật quốc tế.
Hình ảnh này là ông Trịnh Vĩnh Bình ngày 30.8.2017, trong vụ kiện xuyên hai thế kỷ; sau khi nhận phán quyết thắng kiện, ông ta vui mừng nhưng không tuyên bố gì cả để tuân thủ cam kết giữ bí mật phán quyết để chờ thực thi tự nguyện.
Lê Học Lâm
TheSaiGonPosts
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét