Đại tự, tượng đá, chuông đồng và ngộ - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Đại tự, tượng đá, chuông đồng và ngộ


Hình ảnh một buổi lễ ở Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Courtesy of FB Chùa Ba Vàng

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang mắc đại nạn. Scandal Đại đức Thích Trúc Thái Minh – chùa Ba Vàng chỉ là một trong một chuỗi scandal với nhân vật chính là những thành viên trong tăng đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ cả tăng lẫn tự bị công chúng chỉ trích kịch liệt, cũng như chưa bao giờ có nhiều người công khai bày tỏ ác cảm của họ đối với tăng và tự như lúc này.

Tuy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định tạm đình chỉ tất cả các chức vụ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, đồng thời hứa sẽ sớm công bố quyết định xử lý tăng nhân này nhưng mức độ của đại nạn không giảm. Giờ, công chúng xoay qua bỉ bôi việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao cho Thượng tọa chuyên tổ chức bán sỉ và lẻ các “sao” để giải… hạn, xử lý Đại đức chuyên bán sỉ và lẻ các “vong” để giải… nghiệp.

Giữa trận bão về tăng và tự, ngoài những Phật tử thuần thành, nhiều người quan tâm đến Phật giáo cũng khẳng định: Kiếm tiền bằng cúng vong – giải nghiệp, cúng sao – giải hạn,… không phải là Phật giáo. Những đại tự mọc lên trong thời gian vừa qua với đủ thứ kỷ lục, không nhất thế giới, hay nhất Đông Nam Á thì cũng nhất Việt Nam và xen kẽ với chúng là các trung tâm du lịch, thậm chí casino,… không phải là Phật giáo.

Tăng của Phật giáo không sống xa hoa, thậm chí cố tình phô trương sang, giàu qua xe hơi, điện thoại, đồng hồ... Tăng của Phật giáo cũng không có tham vọng lưu danh thiên cổ qua việc dựng những đại tự, hoặc hoằng pháp bằng việc trụ trì những đại tự diện tích hàng héc ta, sau này mở rộng ra hàng chục héc ta, hàng trăm héc ta, thậm chí không ít quần thể đại tự kết hợp tâm linh với du lịch, diện tích lên tới hàng ngàn héc ta.

Tăng của Phật giáo cũng không chửi thề, không đánh người, càng không đánh lẫn nhau. Tăng của Phật giáo khiêm cung, tự hạ, đề cao ngộ tính nên không… hoan hỉ loan báo, anh em mình người này chưa học sơ cấp, người kia chưa hoàn thành trung cấp Phật học. Tăng của Phật giáo chỉ chú trọng tu tập nên không đòi quân đội phải lấy Bắc Hàn làm mẫu mực, không chỉ trích tiền nhân “hỗn” vì dám… đánh Trung Quốc!..

Đặt triết lý Phật giáo bên cạnh những bài thuyết pháp của nhiều thành viên tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam người ta dễ hoang mang vì hóa ra Phật giáo có tới hai con đường hoàn toàn khác nhau. Một, như nhân loại đã biết và ngưỡng mộ. Một, thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hình như trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả tăng lẫn tự đều đi theo chiều ngược lại với Phật giáo!

Quyết tâm phò cả đạo pháp lẫn chủ nghĩa xã hội nên tất cả mọi chuyện liên quan đến tăng và tự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều thỉnh thị ý kiến hệ thống chính trị, chờ quyết định của hệ thống công quyền. Trong scandal mới nhất, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, công khai trách chính quyền, cách nay vài năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã “báo cáo” với các cơ quan hữu trách rằng Đại đức Thích Trúc Thái Minh, tổ chức ăn, mặc, ngủ nghỉ, tại chùa Ba Vàng rất khác người nhưng tiếc là chẳng có ai chịu xem xét, xử lý.

Thành tựu đầu tiên khi đạo pháp song hành với chủ nghĩa xã hội là ông Hồ Chí Minh sánh vai với Phật tổ trong nhiều ngôi chùa. Giờ, tại không ít đại tự, ngoài ông Hồ Chí Minh, nhiều công thần của đảng CSVN cũng đã được đưa vào chùa, đặt ngang hàng với các Bồ tát. Một vài cá nhân như ông Đỗ Mười còn được một số tăng nhân xưng tụng là… Bồ tát khi ông Đỗ Mười vẫn còn đang thở rất… đều.

Nhiều người lên án tình trạng lấy công thổ dựng đại tự, không ngừng mở rộng qui mô nhằm thu hút khách thập phương, các tăng nhân bày đủ thứ “trò” để móc túi Phật tử là “buôn thần, bán thánh”. Nhiều người phê phán hệ thống chính trị, hệ thống công quyền làm ngơ là tiếp tay cho mê tín, dị đoan, đầu độc nhận thức của đám đông, tha hóa xã hội,… Những nhận định đó không sai nhưng chưa đúng bản chất.

Cứ quan sát thực tế sẽ thấy, đính kèm đạo pháp với chủ nghĩa xã hội là phương thức hữu hiệu nhất để đồng hóa Phật giáo với đảng CSVN, biến Phật tử thành những cá nhân tận trung với chủ nghĩa xã hội. Có rất nhiều người dè bỉu khi càng ngày càng nhiều viên chức góp sức tạo lập, dâng tượng, tặng chuông,… công đức đủ kiểu cho các đại tự. Chẳng lẽ những viên chức ấy đủ thiện lương để nhận ra họ cần chuộc tội?

Với những đại tự rồi những tượng đá, chuông đồng, đại thụ,… ghi rõ tên tuổi, chức vụ người góp phần tạo lập, dâng cúng, khát vọng chuộc tội chỉ là suy đoán. Có khao khát chuộc tội hay không thì tên tuổi, chức vụ của những viên chức này sẽ còn mãi với thời gian, giúp giương danh với hậu thế như ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Chí Thanh,… đang được giương danh.

Tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội), chủ động lấy đạo pháp và chủ nghĩa xã hội bọc kín dân tộc, đem lại lợi ích nhiều mặt cho cả tăng nhân lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Sự “hòa hợp” trong nỗ lực pha trộn thần quyền với thế quyền chính là nền tảng cho vô số những biểu hiện mà nhiều người ngậm ngùi than dài, gọi đó là “mạt pháp”.

Đừng xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Phật giáo Việt Nam thì Phật giáo Việt Nam đâu có mạt! Cho dù chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM đã mất dấu nhưng câu chuyện về một ngôi chùa nhỏ là nơi đỡ nâng những cá nhân sống dưới đáy xã hội, trụ trì dứt khoát chỉ giữ đạo pháp, không chấp nhận đính kèm chủ nghĩa xã hội,… chắc chắn sẽ còn hoài.

Phật giáo Việt Nam còn nhiều gian khó như trường hợp Tịnh thất Sơn Linh Tự ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bị san thành bình địa cách nay hai tháng, song bảo đó là mạt thì thiếu chính xác. Không còn chỗ tu tập nhưng trụ trì Thích Đồng Quang vẫn khăng khăng, đã xuất gia tu tập thì chỉ lạy Phật chứ dứt khoát không lạy cộng sản... Phật tử tỉnh táo, Phật giáo Việt Nam không mạt. Cứ nhìn sẽ thấy, số Phật tử đã tỉnh đang đông dần.


Đồng Phụng Việt
Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages