Đây là vụ án chấn động Việt Nam trong những năm qua từ thời ông Lê Khả Phiêu làm TBT và ông Trần Đức Lương là Chủ tịch nước. Vụ án mang hình ảnh “trấn lột” rõ rệt của các sứ quân địa phương khi Việt Nam vừa đổi mới, chính phủ kêu gọi sự đóng góp của kiều bào về xây dựng đất nước. Ông Trịnh Vĩnh Bình là người nhanh nhẩu trở về với hy vọng tạo dựng một cơ sở kinh doanh theo ý tưởng mới. Chỉ sau 8 năm làm việc ông đã thành công vượt mức và tạo dựng hẳn một cơ ngơi có thể gọi là đồ sộ nhất thời bấy giờ, tháng 6 năm 1987 cho tới 1996, ông đã chiếm lĩnh thị trường địa ốc tại tỉnh Vũng Tàu bằng cách thu mua hàng trăm héc ta đất, xây dựng những cơ sở kinh doanh triệu đô, nuôi dưỡng hơn 3 ngàn công nhân làm việc và thu nhập của ông lên hơn tám lần, khoảng 30 triệu đô la so với số vốn ban đầu ông mang vào Việt Nam.
Thế nhưng do một nhóm nhân viên và người nhà của ông có toan tính bất chính trong việc chi thu, nên ông mang họ ra tòa và lạ thay, từ nguyên đơn ông trở thành bị cáo với cáo buộc trốn thuế, Công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Bình về tội "vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai" và tội "đưa hối lộ".
Vụ án này rõ ràng mang tính gian lận, chính quyền địa phương đã cậy thế lèo lái người bị cáo buộc tố cáo lại nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình nhằm trấn lột tài sản mà ông Bình đã tạo ra. Với kỹ thuật dàn dựng lời khai, hồ sơ, cũng như nhân chứng, ông Bình trở thành nạn nhân Việt kiều đầu tiên hiểu thế nào là đầu tư tại Việt Nam nơi mà hai chữ “bôi trơn” luôn dẫn đầu trong mọi quan hệ kinh doanh.
Ông bị kêu án 11 năm tù và trong khi được tại ngoại một tuần lễ ông bỏ trốn về Hà Lan, sau đó nhờ công ty luật Covington Burling của Mỹ ở Washington khởi kiện chính phủ Việt Nam ra tòa quôc tế yêu cầu bồi thường thiệt hại 100 triệu đô la.
Tại Việt Nam một tội phạm con con cũng không thể trốn ra nước ngoài nếu không được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh làm ngơ. Ông Trịnh Vĩnh Bình thành công vì chính quyền muốn cho ông đi để rảnh nợ. Họ biết với lệnh truy nã sau đó ông Bình khó lòng về lại Việt Nam để đòi công bằng. Tuy nhiên ông không về mà ông nhờ Tòa án Quốc tế bênh vực cho trường hợp của ông, và ông đã thành công.
Năm 2005 hai bên đạt thỏa thuận ngoài tòa ký tại Singapore ông Bình được trả số tiền 15 triệu và Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản đã tịch thu, đổi lại lại ông Bình rút đơn kiện tại tòa quốc tế và giữ im lặng đối với truyền thông về thỏa thuận này.
Ngày 21 tháng 8 năm 2007 hai năm sau thỏa thuận Singapore ông Bình lại tiếp tục kiện do Việt Nam không giữ lời hứa và ngày 11 tháng 4 năm 2019 kết quả phiên tòa đã nghiêng về ông Trịnh Vĩnh Bình.
Bản án cho thấy sự vô tư của những thẩm phán quốc tế qua phán quyết căn cứ trên bằng chứng do hai bên đưa ra. Tuy nhiên kết quả phiên tòa tuy gọi là Quốc tế nhưng Việt Nam học được rất nhiều bài học về luật pháp ứng dụng trong guồng máy tư pháp, bắt đầu là phiên xử của tòa án Nhân dân Bà Rịa Vũng Tàu vào năm 1998.
Việt kiều về đầu tư nhà đất, tuy văn bản chính phủ không cho phép người nước ngoài đứng tên trên nhà cửa đất đai nhưng không cấm họ cho phép người thân đứng tên trên tài sản ấy cho mình vì vậy Trịnh Vĩnh Bình đã mạnh dạn mua hàng trăm héc ta đất cũng như xây dựng những cơ sở kinh doanh bề thế, kết quả là bị cáo buộc “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai" và thậm chí là “đưa hối lộ”.
Nếu thật sự ông Bình vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai thì Sở Nhà đất Bà Rịa Vũng Tàu mới là nơi đáng bị truy tố vì đã cấp giấp phép cho những vuông đất mà ông Bình đã mua. Ít nhất 10 người có liên quan đến vụ án không được tòa triệu tập và người chỉ đạo cơ quan điều tra vụ án là Thiếu tá công an Ngô Chí Đan có tai tiếng trong vụ người anh rể là Phạm Văn Phương. thường được gọi là “Phương Xoăn” hay “Phương Vicarrent” mà báo chí từng phanh phui một thời.
Chính phủ đã làm ngơ cho Bà Rịa-Vũng Tàu phá hoại ý chí mở cửa cho Việt kiều về đầu tư khi im lặng trước tố cáo của ông Trịnh Vĩnh Bình. Tâm lý coi thường tòa án Quốc tế đã ăn sâu vào nhiều lãnh đạo Việt Nam và hậu quả đã phải muối mặt chi trả cho ông Bình 15 triệu tại Singapore nhưng không có ai trong vụ này bị truy tố vì cố tình vi phạm pháp luật.
Đã thế chính nhà nước chứ không ai khác, đã nuốt lời đối với ông Trịnh Vĩnh Bình không chịu trả lại tài sản hợp pháp cho ông sau khi hai bên thỏa thuận. Ai là người đại diện, tư vấn không giữ lời hứa cho chính phủ cũng không bị truy tố để số tiền bị phạt hôm nay lên đến 60 triệu đô la cùng với tai tiếng trên diễn đàn thương nghiệp quốc tế sẽ mãi mãi không gột rửa được.
Kể từ nay, Việt kiều về nước sẽ khôn ngoan hơn, cẩn thận hơn trước tính toán của chính quyền địa phương, họ sẽ không mở hết tấm lòng ra cho nhà nước móc ruột của mình. Bài học Trịnh Vĩnh Bình mặc dù chỉ dành cho người Việt nhưng các công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam không thể bỏ qua. Họ rút được một bài học khác: Đối với Việt Nam công lý chỉ được thực thi khi đất nước của nhà đầu tư đứng phía sau lưng họ.
Những con chuột không những cắn phá tài sản, trí não của người đầu tư nước ngoài mà cơ chế hành chính của Việt Nam đã thúc đẩy bọn chuột có cơ sở để tung hoành trong bao nhiêu năm nay. Hãy nhìn trường hợp của một đại công ty là Quốc Cường Gia Lai cũng có thể hiểu ra cách mà các quan tham nhũng lạm như thế nào. Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp bất động sản và Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, cùng các Sở ngành liên quan ngày 10 tháng 4, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quốc Cường Gia Lai bày tỏ nỗi mệt mỏi, chán ngán khi thốt lên câu: "Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp".
Doanh nghiệp lớn và có quan hệ tốt còn như thế, nói chi đến vài Việt kiều còn “mơ làm người Quang Trung” khi có sự tình làm sao tháo gỡ? Đâu phải ai cũng là Trịnh Vĩnh Bình để sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đô la cho một vụ kiện tầm cỡ lịch sử như vụ kiện này?
Mặc Lâm
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét