Thấy quốc sỉ mà không biết thẹn - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Thấy quốc sỉ mà không biết thẹn


Việc lư hương lớn để dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo, ở Công trường Mê Linh bị chuyển đi nơi khác đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. (Hình: Lao Động)

Năm 1284, quân nhà Nguyên tấn công qua biên giới, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn biết mình yếu thế bèn rút quân về ải Chi Lăng, sau đó lại rút lui về Vạn Kiếp. Sau khi trấn an Trần Nhân Tông vững tâm kháng địch, Hưng Đạo Vương đã phát một bài hịch để khích lệ lòng ái quốc và tinh thần bất khuất của tướng sĩ.

Trần Hưng Đạo viết, “ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương,” khi quân nhà Nguyên đang tính biến từ vua tới dân Việt thành nô lệ. Ngài mô tả “…trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng… bắt nạt… cậy thế… ỷ thế… để vét bạc vàng… lòng tham không cùng…” Hưng Đạo Vương hỏi các tướng sĩ, “Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn,… (hay sao?)” (Trần Trọng Kim dịch).

“Trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn!”Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương muốn nhắc nhở tất cả mọi người dân Đại Việt lúc đó.

“Trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn!” Người dân Việt Nam bây giờ, và mãi mãi không quên!

Chính vì những lời nói đó làm sôi máu hàng triệu người dân, cho nên đảng Cộng Sản Việt Nam phải “ra tay” với Đức Thánh Trần ở Sài Gòn năm nay.

Đúng ngày 17 Tháng Hai, ngày kỷ niệm 40 năm quân Trung Cộng tấn công Việt Nam năm 1979, Thành Ủy Cộng Sản đã đưa xe cần cẩu tới “bốc” cái lư hương trước pho tượng Trần Hưng Đạo ở bờ sông, đem đi nơi khác. Thay vào đó, là những bao cát, mấy thùng rác, chiếm hết chỗ không cho ai có thể tụ họp quanh chân tượng đài Đức Thánh!

Tại sao họ dẹp bỏ “lư hương” trước tượng Đức Thánh Trần?

Lý do đầu tiên được chính thức đưa ra là: Du lịch!

Một tờ báo ở Sài Gòn viết, “Theo bí thư Quận Ủy quận Nhất, vào dịp Tết mỗi năm, quận đều trang trí nơi công cộng để người dân thưởng lãm trong những ngày Xuân, trong đó có tượng đài Trần Hưng Đạo.” Sau tượng đài Trần Hưng Đạo và Sở Văn Hóa-Thể Thao sẽ hỏi thăm đến Thánh Gióng! Bà Yến báo cáo ngày 17 Tháng Hai, quận Nhất đã hoàn thành việc trang trí lại khu vực khuôn viên tượng đài Trần hưng Đạo để phục vụ người dân và du khách đến tham quan. Trong hoạt động đó có bao gồm việc di dời lư hương.”

Theo lối giải thích quanh co này, chiếc lư hương thờ Đức Thánh Trần đã được “hy sinh” cho nhu cầu phát triển du lịch của thành phố! Từ nay, các cô gái, cậu trai tới đó kiếm tiền của du khách sẽ không phải bận tâm về câu “Trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn!”

Các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhơn có thể yên tâm: Không ai có thể đến khấn khứa Đức Thánh Trần về mối nhục 17 Tháng Hai, năm 1979, sau khi Đặng Tiểu Bình qua Mỹ báo trước cho Jimmy Carter biết sắp “dạy cho bọn Việt Nam vô ơn một bài học.”

Trọng và Nhơn kính nhớ bài học của Tiểu Bình!

Bởi vì, theo Blogger Cánh Cò, đài RFA, ngày 15 Tháng Hai, Nguyễn Duy Vũ, phó bí thư thường trực thành phố, đã ký lệnh “cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1) trong ngày Chủ Nhật, 17 Tháng Hai, năm 2019.”



Cánh Cò cũng nhận xét: “Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc, số 175 Hai Bà Trưng, cách tượng đài Trần Hưng Đạo không bao xa có thể nghe rõ tiếng đả đảo Trung Quốc xâm lược từ người thắp hương tưởng niệm.”

Có lẽ đó là lý do “Thành Ủy” phải ra tay trước: Không cho một người dân Việt nào có cơ hội đến thắp nhang tưởng nhớ Đức Thánh Trần, gây ồn ào làm các “đồng chí anh em 16 chữ vàng” mất giấc ngủ ngày! Việt Cộng không muốn có ai tới trước pho tượng Đức Thánh tự hỏi tại sao mình cũng “Trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn!”

Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhơn đến năm 2019 vẫn còn thấm thía bài học của Đặng Tiểu Bình dạy Lê Duẩn cách đây 40 năm!

Quả thực, Việt Cộng không coi văn hóa và đời sống tâm linh của dân Việt Nam ra gì.

Việt Cộng đã phá hai truyền thống hai điều trong nếp sống tinh thần của người Việt từ gần một ngàn năm qua. Thứ nhất, Đức Thánh Trần được khắp nước tôn thờ; và thứ hai, “bát nhang” là một biểu tượng thiêng liêng không ai được xúc phạm.

Về điều thứ nhất, không cần phải nói lại, ai cũng biết rồi. Trong lịch sử Việt Nam, chỉ có một số vị anh hùng liệt nữ được tôn thờ như thần, thánh. Cùng với Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Triệu Quang Phục, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị “thánh” được nhiều người Việt toàn dân yêu kính, thờ phượng.

Và trong việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, “bát nhang” là một biểu tượng linh thiêng.Cộng sản không hề quan tâm đến những nét văn hóa đặc thù này. Bí thư Quận Nhất nói rằng, “việc thờ cúng, dâng hương, dâng hoa sẽ được đưa về đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo trên địa bàn quận 1…” Báo chí ở Sài Gòn còn đăng hình cái lư hương bị bốc đi từ bờ sông đưa về trụ sở mới, đứng “trỏng trơ” trong sân ngôi đền Đức Thánh Trần, ở khu Tân Định.

Nhưng dân Việt Nam không “đối xử” với các lư hương, với những bát nhang theo cách đó. Ngay việc đặt một bát nhang trên bàn thờ ông bà trong gia đình, hay khi thay đổi bát nhang, cũng phải tỏ ra kính cẩn. Người Việt Nam xưa vẫn coi “bát hương” là linh thiêng nhất trên bàn thờ mỗi gia đình, hoặc “lư hương” là biểu hiện của cõi tâm linh, trên bàn thờ Thần, Phật. Qua “bát hương, lư hương” con cháu hướng lòng tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, các vị thần linh.

Mỗi lần thay bát hương cũ bằng một bát hương mới, người Việt gọi là “bốc lại bát nhang” người ta chỉ thực hiện khi về nhà mới, hoặc khi nhà gặp nhiều điều không may mắn, vận hạn, muốn được thay đổi.

Khi “bốc lại” bát hương, người ta đổ hết tro cũ trong bát ra, rồi rửa sạch bát hương trước khi bốc lại, bằng cách bốc lần lượt từng nắm tro cũ, đặt lại vào bên trong. Điều tối kỵ là cầm cả bát hương đổ hết dốc tro, cốt đi, thay bằng tro mới. Phải giữ cho bát hương không bị “uế tạp.” Sau khi bốc lại xong, phải thắp hương, đọc kinh để “an vị” bát hương.

Việc di chuyển một lư hương dù phải dùng xe cần cẩu, cũng phải nghiêm trang, kính cẩn. Người Việt tin rằng người “bốc bát hương” mà lòng không hướng về điều thiện, thì bát hương không “linh!”

Một bát hương “linh” nghĩa là gì? Là khi chúng ta thắp hương, khấn khứa, thì vong linh người hoặc được thờ sẽ “về lại cõi dương trần” với con cháu. Một bát hương “không linh” khi người được thờ không chấp nhận. Vì thế, dù thắp hương và khấn khứa cũng không “về.”

Đảng Cộng Sản không quan tâm đến những phong tục, tập quán trong đời sống tâm linh của dân tộc. Đưa lý do khai thác kỹ nghệ du lịch để biện hộ việc di dời lư hương thờ Đức Thánh Trần, lén lút không cho ai biết, cho thấy họ quá hèn nhát trước bài học của Đặng Tiểu Bình! Cho nên đã xúc phạm một vị anh hùng dân tộc. Không những thế còn xúc phạm niềm tín ngưỡng của hàng triệu người dân Việt!

Người Cộng Sản vốn vô thần, nhưng lại rất mê tín. Tới giờ này, đảng Cộng Sản đã bắt đầu lo, không biết đến ngày nào thì Trời quả báo! Khi đó, người dân Việt cùng nghe lời hịch của Hưng Đạo Vương, đứng lên hỏi tội những kẻ “thấy quốc sỉ mà không biết thẹn!”

Hiện tại có rất nhiều đề nghị được đưa lên mạng xã hội kêu gọi các lãnh đạo thành phố phải trả lư hương về đúng vị trí ban đầu, thậm chí có nhiều lời đề nghị đối chất với bà Trần Kim Yến.

Có không ít nhà bị bát hương không linh, nghĩa là thắp hương mà không có ai về. Thường thì dân ta đưa lên chùa nhờ bốc bát hương. Ai bốc thì cũng phải có tâm thành và thánh thiện. Không có tâm thành và thánh thiện thì bát hương không được người âm chấp nhận nên không linh.


Ngô Nhân Dụng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages