Quốc tế Tại sao Trung Quốc sẽ không lật đổ được địa vị bá chủ của Hoa Kỳ - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Quốc tế Tại sao Trung Quốc sẽ không lật đổ được địa vị bá chủ của Hoa Kỳ


Có một nỗi sợ hãi ám ảnh nước Mỹ và thế giới hiện nay là Mỹ có thể sẽ sớm mất đi vị thế cường quốc số 1 thế giới vào tay Trung Quốc. Nhưng theo nhà chính trị học Michael Beckley (Đại học Tufts – Mỹ), quan điểm này là một sai lầm.

Ảnh: NG HAN GUAN/AFP/Getty Images.

Trong bài báo “Stop obsessing about China” đăng trên tờ Foreign Affairs hồi tháng 9/2018, Michael Beckley cho rằng Trung Quốc sẽ không vượt được Hoa Kỳ về mặt kinh tế hay quân sự. Theo ông, cho dù Trung Quốc đang nỗ lực để theo kịp Mỹ nhưng Bắc Kinh, nếu không thận trọng, sẽ có thể bị tụt lại phía sau trong những thập kỷ tới. Hoa Kỳ đang và sẽ vẫn là siêu cường duy nhất của thế giới trong tương lai gần, với điều kiện là nước này tránh các cuộc phiêu lưu mạo hiểm tại nước ngoài và tiếp tục tập trung phát triển kinh tế.

Là một học giả ngành quan hệ quốc tế, ông nhận định rằng rủi ro chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ không nằm ở việc hành động quá ít mà là những phản ứng thái quá trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và nỗi lo sợ Mỹ sẽ suy tàn.

Thay vì thổi phồng sự trỗi dậy gần đây của Trung Quốc và chuẩn bị cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, Washington nên thực hiện các bước đi cẩn trọng để củng cố cán cân quyền lực hiện có ở Đông Á và làm mới nền kinh tế Hoa Kỳ. Để giữ hòa khí, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nên tìm cách tham gia cũng như đối thoại với Bắc Kinh trong các vấn đề, thay vì xa lánh đất nước lớn nhất châu Á này.

Điều gì mới là quan trọng khi đánh giá sức mạnh quốc gia?

Thứ khiến nhiều người lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc là quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, cùng với nhiều thống kê khác bao gồm: sản lượng công nghiệp và sản xuất; dòng chảy thương mại và tài chính; chi tiêu cho quân sự, nghiên cứu và phát triển (R&D), và cơ sở hạ tầng.

Trích dẫn bằng chứng về việc chính phủ Trung Quốc là người nắm lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỷ USD, và Trung Quốc cũng hơn hẳn Mỹ về kim ngạch thương mại.

Trong số 180 quốc gia mà cả hai nước cùng giao thương, Trung Quốc là bạn hàng lớn hơn của 124 nước, bao gồm vài đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng của Mỹ. Họ cũng đã có những bước tiến vững chắc nhằm đạt mục tiêu trở thành nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thiết bị và tín dụng trong cộng đồng các quốc gia đang phát triển. Phần lớn Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh giờ đây đều phụ thuộc vào Trung Quốc về chính trị và kinh tế.

Nhưng những số liệu tốt về kinh tế vĩ mô không nói lên tất cả, và không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ chiếm vị trí bá chủ của Mỹ.

Trong cuốn sách mới của mình có tên “Unrivaled: Why America Will Remain the World’s Sole Superpower“, học giả Michael Beckley đã tổng kết về sự trỗi dậy và sụp đổ của các cường quốc trong hơn 200 năm qua. “Xác định kẻ thắng người thua trong các cuộc tranh chấp và chiến tranh quốc tế không hoàn toàn căn cứ vào những chỉ số trên”, ông viết.

Trên thực tế, nếu dựa theo những đánh giá bằng các chỉ số trên thì Trung Quốc đã đứng đầu một lần trước đây. Đó là vào thế kỷ XIX, Trung Quốc có nền kinh tế và quân đội lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng là nước nắm thặng dư thương mại với các cường quốc khác. Tuy nhiên, nhiều công dân Trung Quốc ngày nay nghĩ về thời đại đó như một thế kỷ nhục nhã, khi mà đất nước của họ bị mất một phần lớn lãnh thổ và hầu hết chủ quyền vào tay đối với các quốc gia bé hơn, đặc biệt là Anh và Nhật Bản.

Tương tự như vậy, nước Nga thế kỷ XIX có GDP và quân sự lớn nhất châu Âu, nhưng nước này đã thất bại nặng nề trước Anh, Pháp và Đức, và kết thúc bằng sự sụp đổ của đế chế Nga vào năm 1917.



Trong thế kỷ trước, Liên Xô vượt xa Hoa Kỳ khi cộng lại các chỉ số, bao gồm cả sản lượng công nghiệp, chi tiêu quân sự, nghiên cứu phát triển (R&D), số lượng binh sĩ, vũ khí hạt nhân, nhà khoa học và kỹ sư. Nhưng hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra: Liên Xô vẫn thua trong Chiến tranh Lạnh.

Những điều này và hàng trăm trường hợp khác minh họa một điều đơn giản nhưng rất quan trọng: tổng hợp các chỉ số như GDP và chi tiêu quân sự đã phóng đại sức mạnh của các quốc gia đông dân, bởi họ chỉ tính đến lợi ích của việc có một lực lượng lao động lớn và một quân đội lớn nhưng không tính đến chi phí đảm bảo cuộc sống của một số lượng dân số lớn như vậy, cũng như chi phí cho cảnh sát và các quân nhân.

Dân số lớn rõ ràng là một tài sản quan trọng. Chẳng hạn, Luxembourg sẽ không bao giờ là một cường quốc, bởi vì nền kinh tế của nước này chỉ là một cú hích trên thị trường thế giới và quân đội thì nhỏ hơn so với sở cảnh sát Cleveland. Nhưng dân số lớn cũng không đảm bảo quyền lực lớn. Bởi chúng ta phải tính đến việc người dân vừa sản xuất vừa tiêu thụ tài nguyên. Một tỷ nông dân sẽ tạo ra sản lượng lớn, nhưng họ cũng sẽ tiêu thụ phần lớn sản lượng vì họ còn phải nuôi bản thân mình, chỉ một số ít nguồn lực là còn lại sau quá trình tiêu thụ.

Ngược lại, để trở thành siêu cường, một quốc gia cần tích lũy một lượng lớn tài nguyên kinh tế và quân sự. Để làm được điều này, đất nước đó cần huy động nguồn lực đầu vào lớn một cách hiệu quả, và phải trích xuất càng nhiều càng tốt các nguồn lực thu được từ các nguồn lực đầu vào này. Nói tóm lại, sức mạnh của một quốc gia bắt nguồn không phải từ tổng tài nguyên, mà từ tài nguyên ròng của nó, tức là các nguồn lực còn lại sau khi trừ đi các chi phí tạo ra chúng.

Danh sách các chi phí này khá dài. Đối với một quốc gia mới nổi, các chi phí đó bao gồm chi phí sản xuất (trong đó có tài nguyên) cũng như những hệ quả của quá trình phát triển (ô nhiễm môi trường là một ví dụ).

Sau đó, phát sinh thêm chi phí phúc lợi – là các chi phí mà một quốc gia phải trả để đảm bảo người dân có thể sống tốt, như chi phí cho xây dựng đường giao thông, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và an sinh xã hội.

Cuối cùng, cũng có chi phí cho việc nâng cấp sức mạnh quân đội nhằm giữ ổn định an ninh trong và ngoài nước.

Không cần phải nói, khi cộng tất cả những chi phí này, sẽ thấy chúng thường tiêu thụ phần lớn tài nguyên của một quốc gia.

Chi phí của Trung Quốc

Để có được cảm nhận chính xác về sức mạnh tổng thể của một quốc gia, các nhà phân tích đã theo dõi các chi phí này. Trong những năm gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên Hợp Quốc đã đảm nhận nhiệm vụ này và công bố ước tính sơ bộ của các quốc gia về nguồn dự trữ tài nguyên ròng. Các phân tích tập trung vào ba lĩnh vực: vốn sản xuất (vật phẩm nhân tạo như máy móc, nhà xưởng, máy bay chiến đấu và phần mềm), vốn nhân lực (giáo dục, kỹ năng và tuổi thọ lao động) và vốn tự nhiên (nước, tài nguyên năng lượng và đất canh tác).

Hai cơ sở dữ liệu này vẽ lên cùng một bức tranh: kho tài nguyên ròng của Hoa Kỳ có kích thước gấp nhiều lần Trung Quốc và doanh thu của Mỹ tăng lên mỗi năm, có năm lên đến hàng nghìn tỷ đô-la.

Chúng ta cũng nên thận trọng với những chỉ số ngoạn mục gần đây của Trung Quốc, bởi vì chúng dựa vào số liệu thống kê của chính phủ Bắc Kinh. Những số liệu này phóng đại sản lượng của Trung Quốc lên tới 30% và bỏ qua nhiều chi phí.

Ví dụ, các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng vốn nhiều gấp hai lần và lao động gấp năm lần so với các công ty Hoa Kỳ để tạo ra cùng một mức sản lượng. Hơn 1/3 năng lực công nghiệp của Trung Quốc đang bị lãng phí. Gần 2/3 các dự án cơ sở hạ tầng của nước này tốn nhiều chi phí để xây dựng hơn so với lợi nhuận thu được. Trung Quốc cũng chi hàng trăm tỷ đô-la so với Hoa Kỳ mỗi năm để trả lương cho cảnh sát và cung cấp các dịch vụ xã hội cho hơn 1,2 tỷ người.

Sự thiếu hiệu quả và các rào cản tương tự kéo sức mạnh quân sự của Trung Quốc đi xuống. Trung bình, các hệ thống vũ khí của Trung Quốc có năng lực chỉ gần bằng một nửa so với Hoa Kỳ về tầm bắn, hỏa lực và độ chính xác. Quân đội, phi công và thủy thủ Trung Quốc thiếu kinh nghiệm chiến đấu và được huấn luyện chỉ bằng một nửa so với lính Mỹ.

Hơn nữa, an ninh biên giới và an ninh nội bộ chiếm ít nhất 35% ngân sách quân sự của Trung Quốc, trong khi quân đội Hoa Kỳ có những căn cứ an toàn tại Mỹ và có thể tập trung gần như hoàn toàn vào việc triển khai một cách nhanh chóng các lực lượng ở nước ngoài.

Quân đội Hoa Kỳ phân tán lực lượng của mình trên khắp thế giới, trong khi Trung Quốc vẫn chỉ tập trung ở Đông Á, điều khiến nước này trở thành một cường quốc khu vực đáng gờm. Tuy vậy, Washington vẫn có thể nhanh chóng bố trí lại lực lượng từ khu vực này sang khu vực khác mà không gây ra rủi ro nghiêm trọng nào về an ninh.

Ngược lại, Trung Quốc phân bổ hầu hết quân đội trong nước. Nước này cũng chịu mức độ bất ổn trong nước cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ (xung đột với các vùng tự trị, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, ô nhiễm môi trường, dân số già hóa nhanh chóng, nạn tham nhũng,..). Trung Quốc cũng chia sẻ biên giới trên biển hoặc trên bộ với 19 quốc gia, 5 trong số đó đã chiến đấu chống lại Trung Quốc trong thế kỷ trước và 10 trong số đó vẫn tuyên bố một phần lãnh thổ của Trung Quốc là của riêng họ.

Ở phía Bắc và phía Tây, Trung Quốc giáp biên giới với Nga và Ấn Độ. Họ có chiến tranh với cả hai quốc gia này vào những năm 1960 và có lẽ cả hai quốc gia này đều bị đe dọa nếu Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự.

Không giống như nước Mỹ có đại dương bao quanh và có mối quan hệ tốt đẹp với hai quốc gia láng giềng, vây quanh Trung Quốc là là kẻ thù hoặc đối thủ. Một quốc gia sẽ không thể dễ dàng lớn mạnh trên qui mô toàn cầu khi quốc gia đó phải lo lắng đối phó với các chính các quốc gia láng giềng.

Có thể thấy mối quan hệ địa chính trị giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng hiện vẫn đang rất căng thẳng. Do mối quan hệ thù địch từ trong quá khứ và sự chênh lệch về cán cân sức mạnh, Bắc Kinh rất khó khiến các nước láng giềng tin tưởng rằng sự lớn mạnh về quân sự của nước này là hòa bình và không có tính đe dọa. Hậu quả là, các quốc gia Đông Á nhỏ hơn có khả năng sẽ gạt bỏ những bất hòa và gắn bó với nhau trong một liên minh do Mỹ dẫn đầu.



Điều quan trọng là, nhiều quốc gia trong số này đã phát triển khả năng không quân, hải quân và tên lửa tiên tiến có thể ngăn chặn Trung Quốc thiết lập kiểm soát trên biển hoặc trên không ở hầu hết Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Nhìn chung, Hoa Kỳ hiện đang duy trì một vị trí lãnh đạo kinh tế và quân sự khổng lồ, lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Để bắt kịp, Trung Quốc sẽ cần phát triển nguồn lực nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài, với không chỉ các khoản nợ khổng lồ, tài nguyên cạn kiệt và tham nhũng tràn lan mà còn vì lực lượng lao động bị xói mòn.

Theo một số ước tính, Trung Quốc sẽ mất đi ¼ dân số trong độ tuổi lao động, tức hơn 200 triệu công nhân, trong vòng 30 năm tới, trong khi số người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên sẽ nhiều hơn gấp ba. Do đó, tỷ lệ người lao động Trung Quốc về hưu, mà ngày nay là 1/7, sẽ giảm xuống mức cứ hai người thì có một người về hưu. Nhưng cũng trong cùng thời gian đó, lực lượng lao động Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 30% và tỷ lệ lao động-nghỉ hưu của người Mỹ sẽ vẫn ở khoảng mức 3-1.

Cái giá của nỗi lo sợ

Học giả Michael Beckley giữ quan điểm rằng sự lo lắng thái quá của thế giới nói chung và của người Mỹ nói riêng về việc Trung Quốc có khả năng sẽ chiếm lấy vị trí bá chủ của Hoa Kỳ là nguyên nhân chính mang lại những rủi ro lớn.

Một sự thật là quyền lực cứng của Trung Quốc chưa thể nào tiến tới khả năng thay thế, chứ chưa nói tới việc thách thức vị thế thống lĩnh của Mỹ về mặt quân sự.

Beckley nói suy nghĩ của họ tạo ra ấn tượng rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc bị nhốt trong Bẫy Thucydides, trong đó một cường quốc mới nổi đang thách thức bá quyền của một siêu cường, và hai quốc gia sẽ rơi vào một cuộc chiến lớn.

Quan niệm sai lầm này đang phổ biến ở cả hai quốc gia, đã gây ra một vòng xoáy thù địch. Ý thức trước sự cường điệu toàn cầu về sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc đã bắt tay vào việc mở rộng lãnh thổ ở quy mô lớn nhất trong lịch sử thế giới hậu Thế chiến II, đưa ra yêu sách chủ quyền với khoảng 80% Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như đổ các nguồn lực vào quân đội.

Hoa Kỳ đáp trả lại bằng cách gán cho Trung Quốc cái danh “địch thủ” đe dọa sự thịnh vượng của Mỹ, áp đặt thuế quan mạnh mẽ đối với hàng hóa Trung Quốc, chi tiêu mạnh mẽ cho các hoạt động quân sự, đưa lực lượng Mỹ can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Đông Á và lên kế hoạch tấn công phủ đầu một cách cứng rắn lên kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc.

Để làm giảm căng thẳng này đòi hỏi cả hai bên phải có cái nhìn rõ ràng về sức mạnh quốc gia của mình. Trung Quốc phải nhận thấy rằng nền kinh tế và quân sự của mình không đủ mạnh để hỗ trợ tham vọng lớn cho việc chinh phục lãnh thổ và bá quyền khu vực. Do đó, lựa chọn tốt nhất của Bắc Kinh là trở thành một bên liên quan có trách nhiệm trong trật tự quốc tế hiện có.

Mặt khác, Hoa Kỳ cũng phải ý thức được rằng Trung Quốc không thể đạt được quyền bá chủ khu vực, chứ đừng nói đến việc thách thức tính ưu việt toàn cầu của Hoa Kỳ. Do đó, con đường hợp lý nhất là duy trì mối quan hệ kinh tế, ngoại giao và văn hóa sâu sắc với Trung Quốc trong khi thực hiện các bước hợp lý để kiểm soát nước này.

Ví dụ, thay vì chi hàng nghìn tỷ đô la để xây dựng một lực lượng hải quân gồm 355 tàu, Hoa Kỳ nên tăng cường các mối quan hệ quyền lực hiện có ở Đông Á bằng cách giúp các nước láng giềng của Trung Quốc phát triển khả năng quân sự, khả năng phòng thủ và triển khai các bệ phóng tên lửa đất đối không của Mỹ dọc theo bờ biển.

Thay vì lao vào cuộc chiến thuế quan theo kiểu những năm 1930, Hoa Kỳ nên trừng phạt các hành vi vi phạm thương mại và gián điệp của Trung Quốc thông qua một cuộc cải tổ WTO, các hiệp định thương mại tự do khu vực, nhắm mục tiêu kiểm soát xuất khẩuhạn chế đầu tư.

Thay vì phản ứng dữ dội với các sáng kiến quốc tế của Trung Quốc (như Hoa Kỳ đã làm với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á), Washington nên tham gia và định hình chúng từ bên trong, như Trung Quốc đã làm với Ngân hàng Thế giới.

Thay vì đấu tranh với quyền lực sắc bén của Trung Quốc bằng cách bắt chước Bắc Kinh, cũng như đóng cửa các phương tiện truyền thông, trao đổi văn hóa và các tổ chức tư nhân với nước này, Hoa Kỳ nên sử dụng báo chí tự do và xã hội dân sự mở như một công cụ quyền lực mềm để vạch trần và làm mất uy tín của Trung Quốc.

Thay vì chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bằng cách chi hàng tỷ đô-la cho cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, Washington nên chi những khoản tiền đó cho cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học và đào tạo lao động  trong nước.

Mối đe dọa chính đối với tính ưu việt của Hoa Kỳ không phải là sự trỗi dậy của Trung Quốc mà là sự lo lắng thái quá của dư luận về việc Bắc Kinh sẽ vượt mặt Washington, điều khiến Mỹ tiếp tục các cuộc phiêu lưu nước ngoài đầy liều lĩnh.


Những nỗi sợ hãi thái quá này nếu vẫn tiếp tục sẽ làm suy yếu những thành tựu và niềm tin vào nước Mỹ.


Lê Hằng
Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages