Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương hồi sinh - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương hồi sinh


Ngày 14 Tháng Giêng, 2019, Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với hai đặc tính mới là Toàn Diện và Tiến Bộ đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Đây là quốc gia thứ bảy sẽ thực thi Hiệp định, sau các nước Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc. Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tích biến cố đặc biệt này..

Đại diện các nước thành viên CPTPP trước lễ ký Hiệp định ở Santiago, Chile

CPTPP: hiện tại và dự báo tương lai


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ Thứ Hai 14 Tháng Giêng năm nay, Việt Nam sẽ cùng nhiều quốc gia khác thực thi Hiệp định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương, được gọi tắt là CPTPP. Kể từ nay, 11 nước sẽ thành lập khu vực kinh tế tự do rộng lớn và còn có một lộ trình cải cách sâu xa về thể chế có lợi cho gần 500 triệu dân. Nhưng người ta vẫn thấy thiếu Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định này từ đầu năm 2017. Ông nghĩ sao về những sự kiện đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như mọi khi, tôi xin khởi sự bằng bối cảnh sâu xa thì chúng ta dễ hiểu ra hiện tại và dự báo về tương lai.

Theo dõi cách Hoa Kỳ thương thuyết lại Hiệp định NAFTA với Canada và Mexico, họ thấy ra mục đích của Mỹ là loại bỏ thế cạnh tranh bất chính của Trung Quốc. Còn lại, chúng ta có thể chờ đợi một đợt thương thuyết mới với Hoa Kỳ sau khi cái xe Xuyên Thái Bình Dương đã lăn bánh.

-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Từ 70 năm qua, Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế đã thúc đẩy và phát huy một khuôn khổ tự do mậu dịch giữa các nước; trước tiên là với Hiệp Ước Chung về Quan Thuế và Mậu Dịch, gọi tắt theo Anh ngữ là GATT, vào đầu năm 1948, rồi với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới là WTO ngày nay. Khuôn khổ luật lệ quốc tế này được lập ra để tránh mâu thuẫn và biện pháp trả đũa về mậu dịch giữa các nước như đã xảy ra trong nửa đầu của Thế kỷ 20. Là cường quốc kinh tế ít bị thiệt hại trong hai trận Thế Chiến, Hoa Kỳ phát huy khuôn khổ hợp tác tự do đó để vừa bán sản phẩm công nghiệp của mình, vừa xây dựng liên minh hầu các nước khỏi gây ra chiến tranh, đồng thời phát triển nhanh hơn khối cộng sản. Nhờ đó, thuế biểu xuất nhập nội đã giảm tới 80% và lượng hàng ngoại thương tăng gấp đôi so với sản lượng kinh tế toàn cầu. Kết cuộc thì kinh tế Liên bang Xô viết sụp đổ và Liên Xô tan rã như ta đã thấy. Nhưng thành công đó cũng có mặt trái.

Nguyên Lam: Thưa ông, mặt trái đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin tạm phân biệt hai khối kinh tế, một là khối công nghiệp hóa và hai là khối đang phát triển. Đang phát triển thời đó tại Á Châu Thái Bình Dương như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, có thành quả kinh tế vượt bực làm đảo lộn chuỗi cung ứng trên vành cung Thái Bình Dương với các nước như Malaysia, Singapore cho tới Mexico. Họ đều có khả năng xuất khẩu loại hàng rẻ làm khu vực chế biến thâm dụng nhân công của khối công nghiệp hóa mất sức cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân mất việc. Hoa Kỳ bị thiệt nhất trong khối công nghiệp hóa và bài toán kinh tế ấy ảnh hưởng tới chính trị vì nhiều người cho rằng tự do mậu dịch là mậu dịch bất công.

Nguyên Lam: Nhưng chính Hoa Kỳ cũng thúc đẩy việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để có khuôn khổ giải quyết bất đồng về mậu dịch giữa các nước với nhau. Vì sao cơ chế này lại không làm được việc đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đấy là vấn đề thứ hai. Gồm có 164 thành viên, tổ chức này trở thành bộ máy thư lại khổng lồ, từ gần 25 năm nay chưa cải tiến luật lệ tranh tụng vì mâu thuẫn giữa khối công nghiệp hóa và các nền kinh tế đang phát triển. Trong các nền kinh tế tạm gọi là mới nổi đó lại có Trung Quốc kể từ năm 2001, chưa nói tới vai trò của Ấn Độ. Kinh tế Mỹ không thể cạnh tranh với các nền kinh tế mới nổi, đông dân với lương rẻ, nhất là nếu nền kinh tế này lại không theo quy luật thị trường, là hiện tượng điển hình của Trung Quốc.

Nguyên Lam: Phải chăng vì vậy mà Hoa Kỳ tham gia rồi thúc đẩy sự ra đời của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương như một lực đối trọng với kinh tế Trung Quốc? Nhưng thưa ông, vì sao ông Trump lại rút khỏi Hiệp định này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên rằng Chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã phát huy trước tiên sáng kiến của bốn nước đi đầu, nhưng Chính quyền của Tổng thống Barack Obama do dự mất một năm rồi mới tham dự đàm phán TPP. Thế rồi khi Hiệp định này thành hình năm 2015 thì đa số trong Quốc hội Mỹ lại chống nên ông Obama không dám đưa qua Quốc hội phê chuẩn.



- Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016, hai ứng cử viên Dân Chủ là Nghị sĩ Bernie Sanders hay bà Hillary Clinton lẫn ông Trump bên Cộng Hòa cũng chống. Lý do là Hiệp định đòi hỏi quá nhiều thay đổi chi ly mà người ta chỉ biết về sau. Ông Trump giữ lời hứa khi tranh cử là vừa nhậm chức thì rút khỏi Hiệp định.

Nguyên Lam: Ban đầu, Hiệp định này có 12 quốc gia thành viên, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, 11 nước còn lại vẫn xúc tiến. Thưa ông, tại sao lại như vậy?

Việt Nam trở thành nước thứ bảy thông qua Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương hôm 12 tháng 11.2018. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có ba lý do, kinh tế, chính trị và chiến lược. Lý do kinh tế là lợi ích về ngoại thương và đầu tư khi gần 500 triệu dân buôn bán với 98% thuế biểu sẽ hạ, lẫn trở ngại đầu tư sẽ giảm dần. Tính theo số liệu năm 2017 thì khối kinh tế này sản xuất ra 14 ngàn tỷ đô la một năm, tương đương với 18% sản lượng toàn cầu chứ không ít. Chưa kể là nhiều xứ khác cũng muốn gia nhập như Indonesia, Thái Lan hay Vương quốc Anh Thống nhất. - Lý do chính trị là họ không muốn Bắc Kinh giữ vai trò trọng yếu trong luồng giao dịch của khu vực khi Trung Quốc không có thực tâm tôn trọng quy luật thị trường. Lý do thứ ba là 11 quốc gia này vẫn muốn kéo Hoa Kỳ trở lại chứ không hoàn toàn đóng cửa vì sức nặng của kinh tế Mỹ, với sản lượng gần 18 ngàn tỷ đô la và có thị trường tiêu thụ lớn nhất, lẫn sức mạnh quân sự đáng kể nhất trong khu vực Đông Á.

Nguyên Lam: Căn cứ vào đâu mà ông suy đoán như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi đàm phán lại Hiệp định TPP, 11 quốc gia chỉ tạm hoãn áp dụng 22 điều khoản mà Hoa Kỳ đòi hỏi trước đó. Tạm hoãn chứ không hủy bỏ, tức là họ vẫn để cửa ngỏ vì siêu cường này có sức mạnh kinh tế lẫn quân sự có thể ngăn ngừa được sự bành trướng của Trung Quốc.

- Tôi nghĩ rằng Nhật Bản, Canada, Úc, Mexico và New Zealand có thể nhắm vào mục tiêu xin tạm gọi là “Đợi Mỹ”, nhất là trong bối cảnh của trận thương chiến Mỹ-Hoa hiện nay, vì họ muốn có một cơ chế tự do mậu dịch rộng lớn, sau khi Hoa Kỳ đã cải thiện Hiệp định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ với Canada và Mexico và các nước đang xúc tiến một hiệp định tự do thương mại với Liên hiệp Âu châu. Có lẽ chúng ta thấy hình thành một trật tự kinh tế mới sau khi trật tự cũ với Tổ chức WTO bị tê liệt, mà nằm bên ngoài trật tự đó chính là Trung Quốc.

Nguyên Lam: Ông thường hay nói rằng lãnh đạo Hoa Kỳ cứ hay đổi ý, liệu nước Mỹ có quay trở lại với Hiệp định TPP hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chưa ai biết được, nhưng có lẽ 11 nước còn lại đã chuẩn bị cho kịch bản đó. Trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một số tiểu bang sống nhờ canh nông có thể bị thiệt; các tiểu bang đó theo dõi triển vọng buôn bán nông sản và lương thực của Úc, New Zealand hay Canada vào thị trường khép kín của Nhật Bản. Họ sẽ tác động vào Chính quyền Trump và chính trường Mỹ. Chuyện thứ hai, các nước trong khu vực cũng muốn Hoa Kỳ phải gắn bó hơn với an ninh của khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, mà sự gắn bó kinh tế là chuyện thiết thực nhất của dân Mỹ. Thứ ba, đã theo dõi cách Hoa Kỳ thương thuyết lại Hiệp định NAFTA với Canada và Mexico, họ thấy ra mục đích của Mỹ là loại bỏ thế cạnh tranh bất chính của Trung Quốc, đấy cũng là mục tiêu của họ. Còn lại, chúng ta có thể chờ đợi một đợt thương thuyết mới với Hoa Kỳ sau khi cái xe Xuyên Thái Bình Dương đã lăn bánh....

Việt Nam và CPTPP

Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, là chuyện Việt Nam. Lãnh đạo xứ này nên làm gì khi Hiệp định TPP vừa hồi sinh với một tên mới là Toàn diện và Tiến bộ?

Trong các nước đang phát triển, Việt Nam có lợi nhất khi bước vào một sân chơi lớn của các nước tiên tiến. Nhưng mối lợi có tính chất chiến lược là thời cơ ra khỏi sức hút của Trung Quốc. Dù có Mỹ hay không, Việt Nam nên khai thác cơ hội để tiến hành một đợt đổi mới hơn xưa và nghiệp vụ đầu tiên là cải sửa lại luật lệ cho phù hợp với quy định đã cam kết.

-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cái tên thì cũng tựa vỏ chai, quan trọng là nội dung bên trong. Khi cam kết thực thi, Việt Nam phải có thực tâm cải cách toàn diện. Ví dụ bề mặt là cắt giảm gần 100% dòng thuế, là việc có thể làm ngay.

- Nhưng bề sâu là thực hiện cam kết về cung ứng cho khu vực công; là giảm thiểu vai trò của các doanh nghiệp nhà nước; là cho phép người lao động tổ chức nghiệp đoàn hay công đoàn độc lập chứ không còn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; là cải thiện môi trường sinh sống theo tiêu chuẩn hiện đại và nhất là phải minh bạch hóa việc quản lý kinh tế.

- Trong các nước đang phát triển, Việt Nam có lợi nhất khi bước vào một sân chơi lớn của các nước tiên tiến, có lẽ còn lợi nhiều hơn Malaysia. Nhưng mối lợi có tính chất chiến lược là thời cơ ra khỏi sức hút của Trung Quốc. Dù có Mỹ hay không, Việt Nam nên khai thác cơ hội để tiến hành một đợt đổi mới hơn xưa và nghiệp vụ đầu tiên là cải sửa lại luật lệ cho phù hợp với quy định đã cam kết.

- Bước kế tiếp là lập ra kế hoạch hỗ trợ tư doanh để sẽ trám vào khoảng trống của khu vực quốc doanh. Nhưng lâu dài hơn cả là cải cách hệ thống giáo dục đào tạo cho lực lượng lao động Việt Nam có trình độ sản xuất cao và đóng góp nhiều hơn vào trị giá gia tăng của hàng hóa và dịch vụ.

- Nói chung thì cơ hội cạnh tranh rộng mở hơn trước thể nào cũng gây rủi ro nhưng nếu sợ rủi ro và thách thức mà không dám thi hành những gì đã cam kết với thiên hạ thì đấy là tụt hậu!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận này.


Nguyên Lam
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages