Chuyến bay định mệnh từ Đà Nẵng của chính trị gia Ấn Độ 'sống mãi' - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Chuyến bay định mệnh từ Đà Nẵng của chính trị gia Ấn Độ 'sống mãi'


Nhiều thập niên sau Thế Chiến 2, không ít người vẫn tin rằng nhà cách mạng Ấn Độ Subhas Chandra Bose không tử nạn trong chuyến bay khỏi Đông Dương sang Đài Loan năm 1945.

Subhash Chandra Bose (phải) với Mahatma Gandhi vào năm 1938. Cho đến gần đây nhiều người Ấn Độ vẫn tin rằng ông Bose không hề chết trong tai nạn máy bay năm 1945
Lãnh tụ phe kháng chiến chống thực dân Anh đã chết sau khi phi cơ của ông, do người Nhật cung cấp, gặp nạn ở Đài Loan sau khi bay đến từ Đà Nẵng.

Đây là thời điểm lịch sử quan trọng cho cả Đông Dương vẫn thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, và Ấn Độ, nước thuộc địa Anh.

Các sử liệu 'chính thống' nói ông Chandra Bose, còn có tên là Netaji, đã được phe phát-xít giúp đỡ để lập quân đội chống Đồng minh Anh - Mỹ.

Tốt nghiệp đại học Cambridge và có vợ người Áo, nhưng ông hoàn toàn bác bỏ con đường thỏa hiệp với Anh của một số chính trị gia khác.

Bose phải đối Gandhi, và cổ vũ cho cách mạng bạo lực.

Bị người Anh giam tại gia ở Calcutta năm 1941, ông bỏ trốn thành công, đi sang Afghanistan rồi tìm đường tới châu Âu.

Dù không đồng ý với chủ nghĩa cộng sản và phát-xít, ông vẫn sang Liên Xô, và sau tìm đến Đức để được trợ giúp.

Tại Berlin, ông được Adolf Hitler đón tiếp và nhà độc tài Đức khuyên ông nên về châu Á để tìm sự giúp đỡ của quân Nhật.

Đức đã đưa ông về Ấn Độ bằng tàu ngầm U-boat của họ.

Chuyến đi trên biển đó đưa Bose quay trở lại Miến Điện, một phần của thuộc địa Anh ở Nam Á.

Tại đây, ông lập chính phủ kháng chiến chống quân Anh và có được 80 nghìn quân, chuẩn bị về nước lập căn cứ ở vùng Đông Bắc Ấn Độ.

Được quân đội Nhật Hoàng trợ giúp, vài chục nghìn lính thuộc Quân đội Quốc gia Ấn Độ (Indian National Army - INA) đã có mặt ở Malaya và Thái Lan để hành quân về Miến Điện.

Nhưng hoạt động của INA bị các đợt oanh kích của không quân Mỹ chặn lại và cuộc phản công của người Anh trong năm 1945 gây khó khăn.

Vào tháng 8/1945, xu thế của cuộc chiến đã biến đổi bất lợi cho Nhật Bản: Liên Xô đưa quân vào Mãn Châu, và Nhật hứng chịu hai trái bom nguyên tử của Mỹ.

Dự án dùng người Ấn Độ đánh lại quân Anh không thành, Chandra Bose được các tướng Nhật thuyết phục về trú ngụ tại Sài Gòn, tổng hành dinh của quân Nhật Hoàng ở toàn vùng Đông Nam Á sau khi Nhật thua ở Indonesia.

Từ đây, Chandra Bose lại muốn thử vận may một lần nữa là tìm đến Liên Xô.

Theo các sử liệu nêu ra sau này, ông đề nghị người Nhật cho ông sang vùng Mãn Châu để tìm đến quân Liên Xô để họ giúp người Ấn Độ giành độc lập.

Thống chế Hisaichi Terauchi, Tổng tư lệnh quân đội Nhật tại Đông Nam Á đánh điện về Tokyo xin chỉ thị tổ chức giúp ông Bose nhưng bị bác bỏ.

Nhật Bản không đời nào để cho một lãnh tụ châu Á khác sang Liên Xô, kẻ thù của Nhật khi đó.

Nhưng Terauchi lại có vẻ có cảm động trước tình yêu nước của Bose, và đã tổ chức một chuyến bay đưa ông khỏi Sài Gòn.

Đây chính là điểm mấu chốt cho các thuyết về số phận của nhà cách mạng Ấn Độ.

Ông bị tai nạn, hay bị người Nhật ở Đài Loan giết để ngăn cản ông sang Ngat?

Ông đã sống sót và sang được Liên Xô gặp Stalin?

Có tin nói người ta nhìn thấy ông ở Bắc Kinh, gặp Mao Trạch Đông.

Theo Randeep Ramesh viết trên trang The Guardian ở Anh hồi 2006, có người Ấn Độ còn tin rằng bằng cách nào đó, Bose đã "làm bạn với lãnh tụ đáng kính Hồ Chí Minh" sau Thế Chiến 2.

Tượng Chandra Bose ngày nay
Văn bản chính thức tin rằng sau khi từ Bangkok tới Sài Gòn, ngày 17/08/1945, sau khi từ biệt Thống chế Terauchi, Chandra Bose lên chiếc máy bay ném bom Mitsubishi Ki-21 bay đi Đài Loan, thuộc địa còn lại của Nhật ở Đông Á.

Trên khoang, cùng Chandra Bose còn có tướng Tsunamasa Shidei, thuộc Đội quân Quan Đông khét tiếng của Nhật, lực lượng chiếm Đông Dương bay về nước.

Nhưng điều kiện thời tiết xấu khiến chiếc phi cơ phải tạm đáp xuống Đà Nẵng.

Sau khi phải ở lại đó một đêm, phái đoàn bay tiếp vào sáng hôm sau, sau khi phi công đã vứt bớt nhiều dụng cụ, phụ tùng cho máy bay bớt nặng.

Chiếc phi cơ đáp xuống Đài Bắc để tiếp dầu rồi bay tiếp về Nhật Bản nhưng chỉ chốc lát sau khi cất cánh đã đâm xuống đất, bùng cháy, giết chết tướng Shidei và hai phi công ngay lập tức.

Chandra Bose bị bỏng nặng và được đưa vào bệnh viện do người Nhật phụ trách.

Ông qua đời sau đó và được hỏa táng tại nghịa trang địa phương hôm 20/08/1945.

Vì sao có nhiều thuyết về Chandra Bose?

Kể từ khi báo Nhật đăng tin hôm 23/08/1945 về vụ tai nạn phi cơ làm chết tướng Tsunamasa Shidei và Chandra Bose, các thuyết về ông không dừng lại ở đó.

Cuộc đời đặc biệt của Chandra Bose không chỉ thành đối tượng cho sách vở, nghiên cứu lịch sử mà còn được giới tư pháp Ấn Độ điều tra.

Năm 2006, thẩm phán M.K. Mukherjee của Ấn Độ ra báo cáo bác bỏ chuyện Chandra Bose chết ở Đài Bắc.

Theo cuộc điều tra này, người Nhật đã hỏa thiêu thi hài Chandra Bose, đem tro về Tokyo, và chôn tại đền Renkoji.

Đây cũng là nơi nhiều chính khách Ấn Độ ngày nay đến "viếng Chandra Bose" dù một ngôi mộ chính thức của ông nằm gần Đài Bắc.

Bản phúc trình của Mukherjee cũng nói chính quyền tại Đài Bắc không hề có hồ sơ nào về vụ hỏa thiêu thi hài Bose cùng ba cộng sự của ông.

Ông Mukherjee nói toàn bộ cái chết và chuyến bay từ Đông Dương về Nhật Bản của Chandra Bose chỉ là "màn khói" do người Nhật dàn dựng vì mục tiêu riêng.

Điều lạ hơn, theo thẩm phán Ấn Độ, không ai thấy văn bản hồ sơ hỏa thiêu xác của tướng Nhật Tsunamasa Shidei.

Có thật là được Liên Xô chờ đón?

Vai trò của viên tướng Nhật này nếu đúng những gì Chandra Bose yêu cầu người Nhật giúp đỡ, là rất quan trọng.

Tsunamasa Shidei có nhiệm vụ đưa Bose đến Mãn Châu hoặc Đông Bắc Trung Quốc để tìm cách đưa ông "vượt tuyến" sang phía Liên Xô.

Nhưng các thuyết âm mưu cũng không đồng ý với nhau về phần kết của giả thuyết này.

Có thuyết tin rằng ông tới được Liên Xô sau khi một số tướng lĩnh Nhật Bản lúc thua trận muốn dùng lá bài Chandra Bose để mặc cả với người Nga.

Cháu của Chandra Bose ngày nay tin là Liên Xô muốn đón nhận ông.

Pradip Bose không chấp nhận giải thuyết bác mình đã chết trong vụ tai nạn máy bay ở Đài Bắc:

"Có tài liệu cho thấy Stalin đã nói về bác tôi và chờ để ông sang vào năm 1946. Kế hoạch của ông là sang Nga và tập kết quân đội bên đó. Vì thế, tôi vẫn không xác quyết về chuyện gì đã xảy ra."

Nhưng một thuyết khác lại cho rằng ông bị Liên Xô bắt làm tù binh và giam giữ nhiều năm ở vùng Siberia.

Cho đến năm 2013, theo Amitabha Bhattasali viết trên BBC News từ Calcutta, nhiều người Ấn vẫn nghĩ Bose không chết trong tai nạn máy bay năm 1945.

Chính phủ Ấn Độ, theo bài báo, vẫn còn giữ ít ra 20 hồ sơ liên quan đến ông.

Còn sống và thành nhà thông thái?

Thuyết phổ biến hơn nói ông Chandra Bose còn sống sau Thế Chiến 2 và trở về vùng rừng núi Ấn Độ, sống cuộc đời thánh thiện của một nhà thông thái (sadhu).

Nhưng lạ hơn, vẫn theo các báo Ấn Độ và Anh, là có người nói Việt Nam vẫn giữ các hồ sơ về tình bạn của ông với Hồ Chí Minh, sau khi ông Hồ đã làm chủ tịch VNDCCH.

Thuyết này có vẻ như được xây dựng trên suy tưởng rằng Chandra Bose không hề bay khỏi Sài Gòn mà đã ở lại Đông Dương.

Năm 2017 có nhà sử học ở Paris, J B P More nói ông tìm thấy hồ sơ của người Pháp tại Đông Dương năm 1947 ghi rằng ông Bose vẫn sống tới thời điểm đó.

Ông More nêu ra văn bản ông nói là của Cao ủy Pháp tại Đông Dương (Haut Commisariat de France for Indochina- SDECE -Indochine), có hẳn số BCRI - No. 4128/3 cs/ah - Ex No. 6/16 về chuyện này.

Nhưng cái gọi là "nguồn tài liệu" không nói gì rõ, giả sử Bose vẫn ở Đông Dương khi người Pháp trở lại thì sau này ra sao, đi đâu, làm gì?

Tại quê ông ở Tây Bengal, người dân ngày nay vẫn ngưỡng mộ Chandra Bose.

Bức tượng ông, mặc quân phục, đứng trước tòa nghị viện tiểu bang bên cạnh hai lãnh đạo khác: Mohandas K. Gandhi và thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập Jawaharlal Nehru.

Có lời giải thích rằng các thuyết về Chandra Bose thực ra đến từ niềm tin vào con đường đấu tranh bạo động chống thực dân Anh của người Ấn Độ.

Con đường này bất thành nhưng đến nay phái dân tộc chủ nghĩa Ấn vẫn tin rằng một cuộc kháng chiến sẽ giúp tiểu lục địa tránh bị chia đôi thành hai phần Ấn Độ và Pakistan, như người Anh đã làm năm 1947.

Mặt khác, thuyết rằng Bose không chết mà vẫn sống nhưng trở thành nhà thông thái trong rừng núi cũng phù hợp với niềm tin sâu xa của người Ấn về sức mạnh tâm linh của các anh hùng thời cổ đại.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages