Ngoại trưởng Nhật: 'TPP vẫn là phương án tốt nhất cho Mỹ - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Ngoại trưởng Nhật: 'TPP vẫn là phương án tốt nhất cho Mỹ


Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cảnh báo về sự sụp đổ của chủ nghĩa đa phương, đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“TPP vẫn là phương án tốt nhất cho Mỹ. Tôi nghĩ TPP sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay”, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói. Ông cho biết TPP, hiện đổi tên là CPTPP, có khả năng sẽ mở rộng khi nhiều nước khác đang bày tỏ sự quan tâm đối việc tham gia hiệp định, trong đó có Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ Latin và châu Âu.
“Điều này sẽ tạo ra một hệ thống thương mại tự do lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi hy vọng chính quyền Tổng thống Trump hoặc chính quyền kế nhiệm sẽ quay trở lại TPP", ông Kono nêu rõ.
             Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono phát biểu tại phiên thảo luận hôm 13/9. Ảnh: WEF.


Chủ nghĩa bảo hộ là một trong những vấn đề trọng tâm trong phiên thảo luận Triển vọng Địa chính trị của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) hôm 13/9. Tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề cập ba trọng điểm gây quan ngại trong địa chính trị châu Á.
“Không thể chối cãi rằng Cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội nhưng những đất nước không thể tận dụng thì họ có khả năng bị bỏ lại phía sau. Khoảng cách phát triển sẽ ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị thay đổi. Thứ hai, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, chính trị cường quyền và cạnh tranh tranh chiến lược khiến mọi quốc gia lớn và nhỏ đều phải thích nghi. Trong lúc đó, những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn tiếp tục là thách thức”, ông nói.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đồng tình với ông Kono về tầm quan trọng của TPP. “Chúng tôi tin rằng nếu Mỹ muốn tham gia, chúng tôi sẽ chào đón”, ông nói.
Phó thủ tướng khẳng định TPP có tiêu chuẩn cao nhất trong những thỏa thuận Việt Nam từng tham gia, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam tin tưởng vào hệ thống thương mại đa phương và ủng hộ tinh thần thương mại tự do.
“Đó là lý do Việt Nam tham gia nhiều thỏa thuận thương mại đa phương và thương mại tư do”, Phó thủ tướng lấy ví dụ về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại đa phương đang được đàm phán trong khu vực.
Các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), tiền thân là TPP, kết thúc hôm 23/1 tại Tokyo, Nhật, và được ký kết vào ngày 8/3 tại Santiago, Chile.
TPP ban đầu từng được kỳ vọng tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất toàn cầu với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Washington khỏi hiệp định. 11 nước còn lại tái đàm phán và cho ra đời phiên bản mới mang tên CPTPP.
Hồi tháng 7, Singapore trở thành nước thứ ba, sau Mexico và Nhật Bản, phê chuẩn CPTPP. Tại cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Công thương Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages