Ảnh hưởng quốc tế của người Do Thái còn được bao lâu? - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Ảnh hưởng quốc tế của người Do Thái còn được bao lâu?


Nguồn: Dư Thời Ngữ (Singapore), 联合早报:犹太人国际影响力还能持续多久?(2013年11月27日)
Ghi chú của người dịch: Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Hành động của TT Trump được coi là nằm trong tiến trình xóa bỏ các di sản của TT Obama. Ngày 18/2/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken của chính quyền TT Biden nói rằng Washington đã chuẩn bị để đối thoại với Iran về việc cả hai nước cùng trở lại thỏa thuận JCPOA năm 2015 nhằm ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Ảnh hưởng quốc tế của người Do Thái còn được bao lâu?

“Liên hợp Tảo báo” của Singapore ngày 27/11/2013 đăng bài “Ảnh hưởng quốc tế của người Do Thái còn có thể được bao lâu?” cho biết: Hiệp định Hạt nhân Iran* đi ngược lợi ích và nguyện vọng của Israel cho thấy cuối cùng thì sự bất đồng lợi ích quốc tế của Mỹ và Israel đã thắng được ảnh hưởng của các thế lực Do Thái ở Mỹ và trên thế giới. Đây có thể là một sự kiện ngẫu nhiên, ngắn hạn, nhưng xét từ góc độ lâu dài thì ảnh hưởng quốc tế của các thế lực Do Thái không thể tránh được xu thế chung đi xuống về thành tựu tri thức của người Do Thái.

Cuộc đàm phán tại Geneva về vấn đề hạt nhân của Iran sau rốt đã đi đến ký kết hiệp định. Tuy là đàm phán giữa Iran với 6 nước, nhưng thực ra Mỹ đạo diễn. Hiệp định này đi ngược lợi ích và nguyện vọng của Israel, cho nên Thủ tướng Israel lập tức tuyên bố đó là “một sai lầm lịch sử”. Ý kiến này không phải là ý kiến cực đoan của thế lực cánh hữu Israel, mà nó phản ánh quan điểm phổ biến của đông đảo người Do Thái Israel. Thế lực thân Israel ở Mỹ cũng nhao nhao chống lại hiệp định xoa dịu vô nguyên tắc này, khiến cho Chính phủ Obama khó tránh khỏi sẽ phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Quốc hội Mỹ.



Tác giả từng vài lần nhấn mạnh về liên minh tạm thời Israel—Saudi Arabia, hiệp định hạt nhân Iran thực ra là thất bại ngoại giao chung của hai nước này, nhưng do ảnh hưởng quốc tế của Saudi Arabia kém xa ảnh hưởng của Israel, chắc chắn là đòn đả kích của Hiệp định Geneva nhằm vào Israel rõ ràng hơn nhằm vào Saudi Arabia. Chính phủ Obama trở thành kẻ thúc đẩy chính của Hiệp định này, điều đó cho thấy sự chia rẽ lợi ích quốc tế giữa Mỹ với Israel cuối cùng đã áp đảo ảnh hưởng của các thế lực Do Thái ở Mỹ và trên thế giới.

Do đâu các thế lực Do Thái có ảnh hưởng quốc tế lớn như vậy? Ở đây không đơn thuần là nhân tố tiền bạc mà là tài trí và sức sáng tạo tri thức to lớn đứng đằng sau tiền bạc của người Do Thái. Hãy xem giải Nobel năm 2013, trong 8 chủ nhân giải đã công bố có 6 người Do Thái (kể cả nhà vật lý Bỉ Francois Englert phát hiện ra “Hạt của Chúa”), trong đó 2 người là công dân Israel. Tuy chỉ chiếm phần nhỏ nhoi 2 phần nghìn số dân toàn cầu nhưng người Do Thái giành được 22 phần trăm tổng số giải Nobel.

Nhờ có sức sáng tạo tri thức mạnh như thế, cộng đồng Do Thái tỏ ra trội hơn hẳn trong giới tài chính phương Tây, lại càng nổi bật trong toàn bộ “kiến trúc tầng trên” ở phương Tây. Tình hình ở Mỹ thế nào, mọi người đã rõ cả. Ở đây có thể tùy tiện đưa ra vài ví dụ tại châu Âu, nơi cũng có nhiều nhân tài gốc Do Thái. Cựu thủ lĩnh Đảng Bảo thủ Anh Michael Howard có cha mẹ là dân Do Thái di cư. Lãnh tụ hiện nay của Công đảng Anh Ed Miliband cũng vậy (lần bầu thủ lĩnh Công đảng khóa trước thực ra là sự cạnh tranh của hai anh em Do Thái Miliband). Nguyên Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có ông ngoại là người Do Thái. Triết gia Pháp nổi tiếng, có ảnh hưởng chính trị lớn hiện nay Bernard-Henri Lévy là con của một gia đình Do Thái. Ông là nhân vật chính thúc đẩy NATO phát động cuộc chiến tranh Libya, và được “Báo Bưu điện Jerusalem” xếp hạng thứ 45 trong bảng Những người Do Thái có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Dư luận phổ biến nói người Do Thái có thành tựu trí tuệ cao là do họ có chỉ số thông minh IQ cao. Thực ra quan điểm này thiếu chứng cứ khoa học. Đầu thế kỷ 20, Carl Brigham, nhà tâm lý học ở Đại học Princeton, người phát minh ra hình thức sát hạch SAT [Scholastic Assessment Test/Scholastic Aptitude Test, là một trong những kỳ thi chuẩn hóa dùng để xét tuyển sinh viên vào các trường Đại học Mỹ] từng trắc nghiệm chỉ số IQ của nhiều người Do Thái Mỹ, phát hiện thấy IQ bình quân của họ không cao hơn IQ của các chủng tộc dân di cư châu Âu khác, trừ người Ba Lan và Ý. Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy nguyên nhân quan trọng làm cho người Do Thái có thành tựu tri thức tốt là do họ được kích thích mạnh mẽ bởi sự chèn ép, kỳ thị của cộng đồng Ki Tô giáo đối với địa vị thấp kém của họ. Điều đó xảy ra đúng vào lúc nền giáo dục và khoa học hiện đại gặp dịp phát triển mạnh mẽ.



Sau khi thấy người Do Thái giành được 6/8 giải Nobel năm 2013, báo Haaretz của Israel đăng bình luận, vạch ra một sự thực: Các giải này đều là phần thưởng tặng cho những công trình khoa học được tiến hành từ mấy chục năm trước, thậm chí nửa thế kỷ trước, tiêu biểu cho đỉnh cao thành tựu của các nhà khoa học và nhà trí thức Do Thái thế hệ trước, còn biểu hiện của thế hệ mới các nhà trí thức Do Thái đã bắt đầu trượt dốc –– trong hơn chục năm nay, tỷ lệ người Do Thái trong số người tốt nghiệp tiến sĩ khoa học ở Mỹ liên tục giảm dần.

Thành tích tốt về giáo dục của người Do Thái có một nguyên nhân đích thực là nhân tố văn hóa, đặc biệt là chủ nghĩa công lợi [utilitarianism, lý luận lấy công hiệu thực tế và lợi ích làm chuẩn] giống như văn hóa khoa cử truyền thống của Trung Quốc. Bản tin nói về một kết quả điều tra đăng trên tờ “New York Times” cuối tháng trước cho thấy người Do Thái ở Mỹ đang đứng trước xu thế lịch sử là do bị đồng hóa mà đánh mất dần truyền thống văn hóa và tôn giáo. Từ năm 2005 tới nay, gần 60% người Do Thái ở Mỹ khi kết hôn đều chọn bạn đời không phải là người Do Thái, điều đó sẽ làm cho các thế hệ sau của họ sẽ bị đồng hóa nhanh chóng về phía người Mỹ nói chung. Xu thế này đã bắt đầu làm suy yếu rõ rệt sự ủng hộ mà người Do Thái ở Mỹ dành cho Israel.

Tóm lại, Hiệp định Hạt nhân Iran đi ngược lại lợi ích và ý nguyện của Israel có thể là một sự kiện ngẫu nhiên, ngắn hạn, nhưng xét về lâu dài thì ảnh hưởng quốc tế của các thế lực Do Thái không tránh khỏi xu thế giảm sút dần – xu thế chung về thành tựu tri thức của người Do Thái.

   Mời xem thêm »


© Dư Thời Ngữ (Singapore)
    Nguyễn Hải Hoành biên dịch
    NTDVN
Nguồn: Dư Thời Ngữ (Singapore), 联合早报:犹太人国际影响力还能持续多久?(2013年11月27日) Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú từ nguồn tiếng Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages