Thăng đi, Nhân đến, Nên về – "Mỏ tiền“ Miền nam Đảng tận thu - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Thăng đi, Nhân đến, Nên về – "Mỏ tiền“ Miền nam Đảng tận thu


Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Văn Nên hôm 11/10/2020


Ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn Phòng Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vừa được giới thiệu làm ứng viên cho ghế Bí thư Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh thay cho ông Nguyễn Thiện Nhân, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 13 BCHTW đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc.


Về chuyện này, Facebook Lê Nguyễn Hương Trà đã biết tin trước Bộ Chính Trị cả 1 tuần, thậm chí còn biết ông Nguyễn Văn Nên hiện nay vẫn chưa vợ. Hôm thứ Hai ngày 5 tháng 10 Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin trên Facebook:


Ông Nguyễn Văn Nên, sinh năm 1957, ở Tây Ninh, hiện là Bí thư TW Đảng, sẽ về thay Nguyễn Thiện Nhân ngay sau khi đại hội Đảng bộ Tp.HCM (dự kiến từ 14 đến 18/10) kết thúc. Như vậy, ông Nhân sắp kết thúc các công việc ở Tp.HCM sau mấy năm trở về và bị đánh giá là mờ nhạt, không làm được gì thành công!



Ông Nguyễn Văn Nên xuất thân là Công an hình sự, bằng cấp cử nhân Luật và …hiện chưa vợ.


Cùng lúc đó Blogger Bùi Thanh Hiếu cũng đưa tin:


“Chánh văn phòng trung ương đảng, nguyên sĩ quan an ninh Nguyễn Văn Nên sẽ về làm bí thư TpHCM.


Đại hội đảng bộ Tp HCM sẽ bầu 4 phó bí thư, có khả năng hai người mới là Nguyễn Thị Lệ và Nguyễn Hồ Hải.


Đến nay thì chưa rõ Nguyễn Thành Phong ở lại hay đi đâu. Cái này phụ thuộc vào đảng bộ TP HCM.


Đáng chú ý là Lê Hoà Bình Giám đốc Sở xây dựng, được chọn làm hạt giống, cán bộ nguồn để khoá sau nữa làm chủ tịch TPHCM. Anh em mua bán quan hệ nên chăm bẵm Bình từ bây giờ, đến kỳ 14 sẽ hái quả trúng mánh lớn.”


Về bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Blogger Bùi Thanh Hiếu bình luận thêm:


“Sự nghiệp chính trị của anh Nguyễn Thiện Nhân khá êm đềm, anh tà tà leo vào Bộ Chính Trị hai khoá, rồi hạ cánh nhẹ nhàng.



Rất nhiều người như anh Nhân, ví dụ như bà Tòng Thị Phóng, Trương Thị Mai và cả anh Trần Quốc Vượng lẫn Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Bình, họ cứ lặng lẽ chiếm ghế trong Bộ Chính Trị, cơ quan đầu não lãnh đạo cả đất nước, mà hầu như chẳng làm gì cả, hoặc ngồi cho cái ghế ấy có người.


Đấy là một sự lãng phí khủng khiếp mà đảng CSVN chẳng bao giờ nhìn nhận. Cũng không hẳn là họ không làm gì, họ ngồi đó làm nền cho mấy thằng đầu gấu chúng nó thể hiện.


Bộ Chính Trị là tinh hoa của đảng, đảng là tổ chức lãnh đạo toàn diện đất nước. Tất cả các uỷ viên BCT lẽ ra phải làm việc hăng hái, phải xông xáo, phải chỉ đạo nơi này, nơi kia quyết liệt và mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm khi quyết định của mình sai lầm. Như thế mới xứng đáng là uỷ viên BCT. Còn không làm được thế thì cứ uỷ viên trung ương là được rồi, sao phải vào BCT làm gì cho tốn tiền phục dịch.


Kỳ này nếu đảng CSVN đổi mới, nên tinh giảm chỉ cần 5 hay 7 suất uỷ viên BCT là đủ.” Ông Bùi Thanh Hiếu nêu quan điểm.


Từ Sài Gòn hôm 12/10/2020, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội Việt Nam, đưa ra một số bình luận với BBC News Tiếng Việt.



“Qua theo dõi việc chuẩn bị cho kỳ Đại hội đảng 13, nhất là qua thời gian và các hội nghị trung ương gần đây, tôi thấy diễn tiến có hơi khác các kỳ trước qua một số nét.


“Cụ thể là nhiều người từ Trung ương điều về địa phương và nói rằng sẽ ứng cử, nhưng gần như là chỉ định sẽ làm bí thư tỉnh này, thành phố kia, đến bây giờ cũng có khoảng một chục địa phương như thế.


“Với Thành phố Hồ Chí Minh, việc ông Nguyễn Văn Nên được điều về thành phố này cũng nằm trong diện bố trí lực lượng ấy.


“Về việc bố trí này, thì theo dự kiến, cũng như thông lệ từ trước, những nơi quan trọng như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, hay một số tỉnh, thành phố khác, kể cả công an, quân đội, nếu là địa bàn, địa hạt quan trọng, thì Bộ Chính trị sẽ chỉ định.


“Do vậy việc ông Nên về Thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong kế hoạch chung như thế thôi, vì ở thành phố này hiện nay, người mà có khả năng tiến lên ứng cử làm bí thư và sẽ làm ủy viên Bộ Chính trị.


Có lẽ chưa có nhân vật nào, cho nên ông Nên được chỉ định về, theo bố trí của mấy vị lãnh đạo ở trên Trung ương, cấp Bộ Chính trị đã xem xét và quyết như thế.”


Đảng viên, người dân nghĩ gì về ông Nên?


Khi được hỏi cán bộ, đảng viên và người dân ở Sài Gòn hiện nay nghĩ gì về ông Nguyễn Văn Nên, người được ‘chỉ định’ tiếp quản chiếc ghế Bí thư Thành ủy của ông Nguyễn Thiện Nhân, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:


“Việc mà ông Nên về đây, người ta đã nhìn thấy và đã có tin đồn từ lâu rồi. Hồi trước, người ta cũng đã điều ông Đinh La Thăng về Thành Ủy TPHCM, sau đó thì ông Thăng bị điều ra rồi lại bị đi tù.


“Còn ông Nên, có lẽ là nhân vật ‘sáng sủa’ hơn, không có tai tiếng gì, về đây có lẽ là ông trụ vững, ông Nên quê Tây Ninh.



“Tuy nhiên, lại có một chi tiết là khi ông về đây ngồi vào ghế Bí thư Thành Ủy, thì hiện nay tại đây cũng đang có ông Trần Lưu Quang cũng là người quê Tây Ninh. Ông Quang được điều về từ trước làm Phó Bí thư thường trực, thành ra người ta nói là không hiểu tại sao hay là do tình cờ người ta điều ‘người Tây Ninh’ về lãnh đạo đảng bộ của thành phố, mà Tây Ninh thì là một tỉnh vừa đồng bằng, vừa miền núi, khác xa TP. Hồ Chí Minh. Đó cũng là một nhận xét trong dân.


“Nhưng có một thực tế là Thành phố Hồ Chí Minh hiện giờ người ta cũng đã quá mệt mỏi với những xáo trộn với ban lãnh đạo của thành phố rồi, người thì bị kỷ luật, người thì bị tù tội, kể cả thường trực Ủy ban Nhân dân, rồi trong ban lãnh đạo Thành Ủy, thường vụ Thành Ủy cũng bị kỷ luật hết.


“Do đó, nhân vật tại chỗ mà phát triển lên hiện nay gần như không có. Cho nên việc ông Nguyễn Văn Nên được điều về thì người ta cũng chấp nhận và chấp nhận khá cao, không có bàn tán gì xôn xao lắm.”


Thử thách lớn gì chờ đợi tân Bí thư?


Trước câu hỏi ông Nguyễn Văn Nên, nếu ngồi vào chiếc ghế Bí thư Thành Ủy TPHCM và đảm nhiệm nguyên cả một nhiệm kỳ, thì có thể sẽ phải đương đầu với những thách thức chính yếu gì, Luật sư Thuận đáp:


“Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam, nó cũng là thành phố đặc biệt nên trước kia Bộ Chính trị đã họp và ra nhiều nghị quyết về thành phố, khẳng định thành phố là trung tâm kinh tế, đầu tàu kinh tế, rồi trung tâm thương mại, tài chánh của cả nước, đây là nơi đóng góp lớn nhất của cả nước vào ngân sách trung ương, ngân sách quốc gia.


“Thực vậy, 1/3 ngân sách Trung ương lấy từ nguồn của thành phố này và đây cũng là thành phố đông dân nhất nước, với sự đa dạng về thành phần, lĩnh vực kinh tế, năng động, sáng tạo bậc nhất nước, thế nhưng nó cũng rất phức tạp với quy mô này.


“Mặt khác, nhiều người lãnh đạo từ thành phố này đã từng được điều về Trung ương làm các chức vụ như đến thủ tướng chính phủ, như là các ông Võ Văn Kiệt, rồi Phan Văn Khải, kể cả tổng bí thư. Có thể nói là thành phố lớn đã đào tạo nên những nhà lãnh đạo, quản trị tầm vóc như thế, cho nên việc về làm việc ở thành phố này của tân Bí thư cũng phải đáp ứng những kỳ vọng.


“Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên đã có thời gian dài ở Trung ương, ông từng làm Chánh văn phòng Chính phủ, rồi hiện nay là Chánh văn phòng Trung ương đảng, trước đó, Bí thư Trung ương Đảng, có lẽ ông biết được và học được nhiều việc, cho nên tôi cho rằng ông về thành phố cũng không có gì bỡ ngỡ.


“Tôi cho rằng thử thách lớn chờ đợi ông Nên ngay bây giờ là vụ Thủ Thiêm, phải làm sao giải quyết dứt điểm và hợp lý vụ Thủ Thiêm, hiện tại lại có thêm việc lập thành phố Thủ Đức nữa, rồi các yêu cầu về một thành phố thông minh đối với TP Hồ Chí Minh, bên cạnh đó phải đảm bảo đời sống của nhân dân và trật tự an ninh, đặc biệt là tiếp tục đóng góp ngân sách cho Trung ương bên cạnh nhiều vấn đề người dân quan tâm, kỳ vọng khác, kể cả giải quyết những vấn đề từ trước lưu lại, thì cái đó thực ra là nặng nề, chứ không đơn giản.



“Nhưng tôi thấy ông Nên là người có phát biểu tỏ ra khiêm tốn, biết lắng nghe, thì tôi hy vọng những vụ việc, sự việc phức tạp trong quá khứ để lại vừa qua sẽ dần dần được khắc phục.” ‘Xử lý chưa nghiêm, dân chưa phục’


Nhân dịp này, Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận về những gì là hậu quả và vấn đề mà các nhiệm kỳ trước của các ban lãnh đạo thành ủy, UBND thành phố để lại, cũng như cách thức xử lý đối với những vụ việc, cá nhân hữu trách, gây hậu quả.


Ông nói:


“Bây giờ nhìn lại, kiểm lại và nhìn một cách chung nhất, rõ ràng là trong dàn lãnh đạo cao cấp nhất của thành phố, trong đảng, mà được hiểu là cấp Thường vụ Thành Ủy, cấp Thường trực Ủy ban Nhân dân, cấp Phó Chủ tịch UBND… đều có nhiều người đã bị kỷ luật hết.


“Kỷ luật nhẹ nhất là cảnh cáo, còn kỷ luật cao nhất là bị ở tù, hai phó chủ tịch đã bị ở tù rồi, bị xét xử, không biết tới đây còn xử ai nữa không, còn ông Bí thư Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị trong mấy nhiệm kỳ có vấn đề đó của thành phố thì cũng bị cách cái chức mà ông đã nghỉ rồi của khóa XI.


“Người ta cũng nói nhiều là trong dàn lãnh đạo bị kỷ luật, rồi bị tù tội như thế, mà người cao nhất lãnh đạo thành phố khi đó, mà chỉ bị kỷ luật như thế, là chưa thỏa đáng với những việc làm sai trái của ông ấy và những lãnh đạo cấp phó, cấp dưới của ông ấy, mà đã làm cho thành phố gần như là tan nát hết cả như thế, để lại những hậu quả rất nặng nề cho bộ máy, làm cho nhiều người, nhiều cán bộ cấp cao của thành phố cũng bị dính líu, mắc sai lầm đến như thế.


“Xử lý như thế chưa nghiêm, dân chưa phục, dư luận rất xôn xao, cũng có nhiều người đặt vấn đề là đã cách chức, thì phải cách sâu hơn, vì ông lãnh đạo Thành ủy đó nắm tới hai khóa Ủy viên Bộ Chính trị, hai khóa là Bí thư Thành Ủy, và trước đó ông ấy còn là Chủ tịch UBND Thành phố nữa.


“Ông ấy cũng là người có bàn tay trong việc lập nên bộ máy đó, các dàn cán bộ đó, mà để xảy ra như thế với chính ông ấy và những người khác thì có lẽ phải xem xét trách nhiệm đó và phải xử lý hết rốt ráo những trách nhiệm đó, như thế mới thỏa đáng hơn.


“Nhưng nhìn từ trên mặt bằng mà từ đó, từ lãnh đạo thành phố này mà suy ngược lên, thì ở trên cũng có thể có nhiều người lãnh đạo mà có hay từng có nhiều sai lầm như thế, có người đặt vấn đề là có bao che không, có chống lưng không, tôi cho rằng có lẽ ở đây trước mắt người ta hạn chế kỷ luật tới hàng Ủy viên Bộ chính trị, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, dù vừa qua, vụ việc xảy ra với ông Đinh La Thăng cũng có thể coi là cá biệt.


“Theo dõi các Hội nghị vừa rồi, người dân cũng thấy có nhiều người có tai tiếng chuyện nọ, chuyện kia, vẫn xuất hiện ngồi ở các sự kiện và họ vẫn thấy ‘cười vui vẻ’, do vậy người dân nghĩ phải chăng người ta vẫn như thế để giữ cân bằng, ổn định cho Đại hội 13?”



© Thu Thủy
    Thời Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages