Bình Thuận không chấp nhận thêm nhà máy điện than: tỉnh đang muốn cải thiện môi trường - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Bình Thuận không chấp nhận thêm nhà máy điện than: tỉnh đang muốn cải thiện môi trường


Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, một trong bốn nhà máy của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tại Bình Thuận.


Ông Dương Văn An, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, trong trả lời phỏng vấn báo mạng Zing vào ngày 19/10, nói rằng tỉnh này sẽ thực hiện chủ trương không chấp thuận thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào nữa để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.


Thay vào đó, theo lời ông Dương Văn An, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung thu hút các dự án ít ô nhiễm môi trường như điện khí hóa lỏng LNG, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.


Được biết, nội dung này đã được tỉnh Bình Thuận đưa vào trong văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.


Ủng hộ quyết định mới này của tỉnh Bình Thuận, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ:


“Bình Thuận tuyên bố không sử dụng nhiệt điện than nữa thì tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, trước hết là có lợi cho tỉnh. Thứ hai cũng là một đóng góp cho một xu hướng cho phát triển điện hiện nay ở Việt Nam. Điện thì rất cần nhưng phái có một tầm nhìn xa để phát triển điện mới đảm bảo có điện nhưng không gây tác hại cho những yếu tố khác, trong đó có môi trường và từ đó ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng con người.”



Trao đổi với RFA tối 19/10, Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam cho biết:


“Cái này không chỉ Bình Thuận mà trước đây một số tỉnh người ta cũng từ chối việc này, nhất là khu Bình Thuận, Ninh Thuận thì tiềm năng năng lượng tái tạo lớn. Có thể thay vì sử dụng những nhiệt điện than thì họ sẽ có những giải pháp thay thế, phát triển những nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.”


Giải thích rõ hơn về quyết định không chấp nhận thêm nhà máy điện than tại Bình Thuận, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho hay:


“Hiện nay cái đầu tư Tổng sơ đồ VIII để thực hiện mới ưu tiên cho phát triển miền Trung thì cơ cấu miền Trung là chỗ cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió phát triển có điều kiện thuận lợi nhất. Thành ra tập trung trong thời gian tới sẽ cố gắng đưa năng lượng mặt trời lên cao hơn. Tôi thấy cái đó là chủ trương có từ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ở Việt Nam đã đề xuất như vậy.”


Nói thêm về tình hình điện lực hiện nay tại Bình Thuận, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết:


“Ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng có các nhà máy nhiệt điện, nhưng qua những cái vừa rồi thì cũng có ảnh hưởng đến môi trường, người dân trong đó cũng có ý phản đối, không muốn chịu đựng các nhà máy điện than ở đây. Vùng đó có gió và điện năng mạnh nhất trên yêu cầu định hướng đó là chính đáng và phù hợp với kết cấu mở rộng thêm của các nhà máy nhiệt điện chuyển qua dùng năng lượng mặt trời, còn cái than thì hiện nay người ta hạn chế từ năm 2025 trở đi. Bây giờ các nhà máy đang xây dựng thì vẫn tiếp tục, nhưng sau năm 2025 thì giảm đi nhiều, tập trung vào vùng đó. Hiện nay người ta hoan nghênh chủ trương này nhiều.”


Trả lời phỏng vấn của báo mạng Zing, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết hiện nay tỉnh đặc biệt quan tâm đến môi trường ở đây. Trong đó, 3 vấn đề đáng lo trong nhiệt điện than là khí thải, tro, xỉ than thải ra và nước làm mát của các nhà máy. Đặc biệt là tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, tổ hợp nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam hiện nay.


Hình minh họa. Hình chụp hôm 22/9/2010 ở mỏ than Cẩm Phả, Quảng Ninh Reuters


Theo ông Dương Văn An, lượng tro, xỉ thải ra hàng ngày rất lớn và đây là vấn đề được quan tâm nhất.


Với góc nhìn chuyên môn, Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long giải thích tro, xỉ ảnh hưởng thế nào đến môi trường sống:


“Vấn đề tro, xỉ thải ra phải xử lý, nếu không thì ví dụ như trước đây, ở chỗ Vĩnh Tân hay một số nhà máy khác gây ô nhiễm cho khu vực địa phương. Thứ hai nữa là những khí độc hại mà nhà máy phát ra mình không thể khử hết sẽ gây ô nhiễm không khí, làm cho chất lượng không khí kém, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nếu xét một cách rộng hơn thì những khí thải ví dụ như cacbonic, các chất SOx, NOx… gây nên hệ quả về môi trường rất nghiêm trọng. Cacbonic sẽ làm hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu sẽ gây nên hệ quả rất lớn cho cả thế giới.”


Vì vậy, trước những tác động trên, đại diện tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ kiên trì kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ. Từ đó, tro, xỉ sẽ trở thành nguồn tài nguyên mới, phục vụ cho nền “kinh tế tuần hoàn”, vừa hiệu quả trong kinh tế vừa đảm bảo môi trường.


Tuy nhiên, thực tế lại không như lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đang hy vọng, như lời Giáo sư Trần Đình Long:


“Bên Bộ Xây dựng xúc tiến chưa mạnh mẽ lắm nên nhiều nhà máy điện gặp vấn đề về kho chứa hay vấn đề xử lý tro thải của các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là những nhà máy đốt than trong nước mình thì hàm lượng tro, xỉ cao hơn nhiều so với than nhiệt.”


Theo thông tin được Zing đăng tải dẫn nội dung từ cuộc phỏng vấn ông Dương Văn An, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, tỉnh này sẽ đề nghị các nhà máy nhiệt điện phải lắp đặt hệ quan trắc môi trường đấu nối trực tiếp với Sở Tài nguyên Môi trường.


Với các số liệu môi trường được truyền đi, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ theo dõi và có thể yêu cầu tạm dừng hoạt động để nhà máy khắc phục nếu có vi phạm.


Không chỉ cơ quan chức năng mà ngay cả người dân cũng có thể theo dõi số liệu môi trường qua các bảng thông tin được lắp đặt công khai tại các nhà máy và Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.


Đánh giá cao những đề xuất vừa nêu của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Giáo sư Đặng Hùng Võ bày tỏ:


“Tôi cho rằng đây là một quyết tâm rất tốt, đúng hướng, tức minh bạch mọi số liệu, trong đó số liệu quan trắc môi trường là số liệu người dân rất mong muốn có được để đánh giá mức độ ô nhiễm đến đâu, ảnh hưởng người ta đến đâu. Rồi người ta có thể có tầm nhìn tới mức không làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.”


Trước đó, vào đầu tháng 7/2020, Viện Năng lượng Việt Nam tiết lộ Kế hoạch Phát triển Năng lượng Lần thứ Tám (PDP8) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021. Theo đó, PDP8 quy định mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên trong nước và cho biết chính phủ Hà Nội có thể hủy bỏ 7 dự án điện than đã lên kế hoạch và hoãn 6 dự án khác cho đến sau năm 2030 hoặc 2035.


Ngoài ra, truyền thông trong nước dẫn lời ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương và Thương mại cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ không phát triển mạnh về điện than mà chỉ tiến hành phát triển các dự án đã được liệt kê trong PDP7 và PDP7 sửa đổi.


Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho biết chính phủ Hà Nội đang mong muốn có hẳn một Bộ luật về Năng lượng tái tạo nhưng hiện nay vẫn chưa thể tiến hành xây dựng bộ luật này. Ngoài ra, Tiến sĩ Lâm cũng cho rằng cần có chính sách ưu tiên để năng lượng tái tạo tốt hơn nhưng đồng thời những quy chuẩn tiến hành cũng phải rõ ràng, đặc biệt lực lượng trung ương và địa phương phải thống nhất.



© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages