‘Cơ chế đặc thù’ tạo ra quyền… bóp cổ! - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

‘Cơ chế đặc thù’ tạo ra quyền… bóp cổ!


Dân tự tổ chức đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc. BOT cũng là một phương tiện để bóp cổ vặt lông? Hình minh họa.

Dư luận đang sôi sùng sục sau khi Sở GTVT TP.HCM công bố ý tưởng thiết lập 34 “cổng thu phí” trước những lối vào khu vực trung tâm thành phố này để thu từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/lượt đối với các loại xe bốn bánh, đồng thời nâng phí đậu xe với những loại xe này lên ít nhất là năm lần so với hiện nay để chống ùn tắc… trong nội ô.

Tờ Lao Động “khen” Sở GTVT TP.HCM là “kiên trì” với ý tưởng thu phí như một giải pháp chống ùn tắc.

Năm 2017, Sở GTVT TP.HCM từng giới thiệu kế hoạch thu phí chống ùn tắc nhưng kế hoạch này chết yểu. Chẳng riêng dân chúng mà ngay cả những người đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân (Mặt trận tổ quốc) ở TP.HCM cũng chỉ trích kịch liệt. Ý tưởng thu phí chống ùn tắc bị xem là âm mưu phạm pháp vì vi phạm Luật Phí và Lệ phí (1)…

Bây giờ, sau khi TP.HCM đã được hưởng “cơ chế đặc thù” (có quyền tự quyết trong một số lĩnh vực liên quan đến phát triển), kế hoạch này đội mồ đứng dậy sáng lòa!

***

Trên mạng xã hội, Đào Tuấn gọi kế hoạch thu phí chống ùn tắc là “lá cờ của chị Hồng Phúc”. “Cơ chế đặc thù” cho phép Giám đốc Sở GTVT TP.HCM chỗ dựa vững chắc để khẳng định: Tuy không có qui định nào cho phép thu phí chống ùn tắc nhưng trung ương đã cho TP.HCM áp dụng “cơ chế đặc thù” thành ra chính quyền TP.HCM vận dụng điều này để thu phí chống ùn tắc.

Tuấn kể thêm những vận dụng “cơ chế đặc thù”, biến thành “cơ hội” như: Tăng phí đậu xe, tăng phí đối với nước thải công nghiệp,… và dự đoán sẽ còn nhiều thứ thuế, phí nữa ra đời nhờ “cơ chế đặc thù” và nhận định: Nói như kiểu chị “Hồng Phúc của dân tộc” thì “cờ đã đến tay”, đã có “cờ”, cứ thế mà phất. Nếu “đặc thù” trở thành “cờ” như thế, chẳng biết cờ sẽ đỏ màu gì nữa (2)?!.

Ngô Nguyệt Hữu xem kế hoạch thu phí chống ùn tắc cũng giống như chuyện ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM – kêu gọi… chống tham nhũng. Chống ùn tắc bằng cách dựng 34 trạm thu phí là một giải pháp buồn cười vì chắc chắn, ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn do chặn đường thu phí. Hữu nhắc ông Trần Ngọc Lâm – tân Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - nên tìm cách hoàn thành sớm những hạng mục cải tạo đường (như đường Cao Lỗ), cải tạo cầu (như cầu chữ Y), các giải pháp chống ngập,… gỉam ùn tắc chứ không nên “xách thòng lọng đi lang thang”.

Facebooker đồng thời cũng là nhà báo này lưu ý, Công ty Tiên Phong (ITD) đã tiềm phục từ năm 2012 để thực hiện cho bằng được kế hoạch tổ chức thu phí tại TP.HCM. Nhiều thế hệ lãnh đạo TP.HCM đã liên tục gạt ý tưởng “xàm xí đú” ấy đi, ngay cả Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân cũng lắc, tại sao bây giờ Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong lại đồng ý? Gật đầu là vì ai, vì ITD hay vì dân (3)?

Cũng nhìn kế hoạch thu phí chống ùn tắc như Ngô Nguyệt Hữu, Võ Đức Phúc cho rằng, cứ gọi thẳng kế hoạch này là “bóp cổ” sẽ khiến người nghe cảm thấy dễ chịu hơn là phân biện theo kiểu “giảm ùn tắc, chống kẹt xe”. Phúc thắc mắc, giới lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM có “ăn uống” gì với ITD không mà đời nào cũng chăm chăm nhắm vào việc thực hiện kế hoạch bóp cổ dân thu phí?

Theo Phúc, mạng trạm thu phí sẽ vây nội ô như một hệ thống đồn bót, dồn dân tới chỗ phải đưa cổ để bị bóp. Ai dám cam kết thu phí chống ùn tắc sẽ khiến nội ô không kẹt xe. Xe hơi giảm nhưng còn xe hai bánh gắn máy đổ vào nội ô thì sao? Tiền thu được từ các trạm thu phí chống ùn tắc sẽ dành vào việc gì? Để xây những công trình “rửng mỡ” như nhà hát ở Thủ Thiêm hay để bù vào khoản 26.000 tỉ mà Thanh tra của chính phủ vừa buộc TP.HCM nộp lại?.. Phúc khuyên, muốn khai thác “cơ chế đặc thù” cũng phải lường tới cảm xúc và nỗi khổ của dân chúng. Bóp cổ kiếm tiền thì chỉ nên bóp một lần, ví dụ thêm thuế, thêm phí khi đăng ký xe. Ngày nào cũng bóp thì ngay cả “lon” và “lu” cũng sống không nổi, nói gì tới dân (4).

Giống như nhiều facebooker khác, Hoàng Nguyên Vũ than rằng, TP.HCM càng ngày càng… lạ! Hết “đội lu” chống ngập giờ lập cả bầy “đội thu” chống tắc đường. Tiếng là chống ùn tắc nhưng Sở GTVT TP.HCM chỉ xoáy vào một chuyện, rằng sẽ chỉ mất chừng hai năm là thu hồi đủ 250 tỉ đầu tư vào thiết lập 34 trạm thu phí! “Thông minh" đến thế này thì dân tộc này “hồng phúc” quá! Cứ “thôn làm” mà “đội thu” thế này, có mà mở nát cả lon cũng không hết ùn ứ đâu, các ông bà “đội lu”, “đội thu” ạ (5)!

***

Bất bình, thậm chí phẫn nộ nhưng khó có cửa chặn kế hoạch thu phí chống ùn tắc, rõ ràng “cơ chế đặc thù” giống như một tấm bùa hộ mạng cho kế hoạch này và nhiều kế hoạch tương tự. Dân chúng TP.HCM sẽ có “cơ hội” hưởng thêm “hồng phúc”. Đó là loại “cơ hội” không muốn cũng bị buộc phải đón nhận. Nhân kế hoạch thu phí chống ùn tắc, Phuong Ngo, một facebooker khác, mới phác lại diện mạo của “cơ hội” ấy qua câu chuyện liên quan tới Trạm thu phí An Sương (6).

Tuy đã hết thời hạn được phép thu phí nhưng các phương tiện qua lại vẫn phải trả tiền cho Trạm thu phí An Sương vì có thêm bốn cây cầu trên đoạn An Sương - An Lạc. Bởi chi phí xây dựng bốn cây cầu này nằm trong gói 26.000 tỉ giải quyết ùn tắc, rồi Sở GTVT TP.HCM tự tiện chuyển thành dự án BOT để duy trì Trạm thu phí An Sương nên dân chúng đòi phải dẹp bỏ.

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vừa trả lời yêu cầu dẹp bỏ ấy bằng bản án 18 tháng tù dành cho Văn Ngọc Hoàng. Hoàng – 35 tuổi là một tài xế lái xe chở container. Tối 5 tháng 3, khi lái xe ngang Trạm thu phí An Sương, giống như nhiều người dân khác, tin rằng trạm thu phí này chặn đường đòi mãi lộ bất hợp pháp, Hoàng không chịu trả tiền và vì bị cản đường, Hoàng cho xe tông gãy thanh chắn... Hồi đầu tuần này, Tòa án xác định Hoàng phạm tội “cố ý gây hư hỏng tài sản” (7)…

Thôi thì ráng chấp nhận tình trạng mà Bich Nguyen X gọi là bị “vặt lông”. Bich bảo rằng, có rất nhiều cách để hạn chế xe bốn bánh vào nội ô, ví dụ như dựng hệ thống biển cấm – cấm hẳn. Ví dụ như chỉ cho xe có biển số chẵn được vào nội ô những ngày chẵn hoặc ngược lại sẽ hạn chế khoảng 50% lưu lượng,… tại sao không chọn mà dứt khoát phải chi 250 tỉ, thiết lập 34 trạm thu phí? Đó chẳng phải là “vặt lông” để làm cho túi đầy hơn sao (8)?

***

Bóp cổ thì sao? Vặt lông thì sao? Muốn phản kháng cứ nhìn vào án tù đã dành cho nhiều người chống lạm thu. “Hồng phúc dân tộc” đã ban, ráng mà tận hưởng “cơ hội”!


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages