Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Hiện tình tự do tôn giáo trong nước
Buổi họp có sự tham gia của nhiều vị dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang, đại diện nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, đại diện các phái đoàn đến từ các tiểu bang Hoa Kỳ và từ Canada. Đặc biệt có mặt một số đại diện các tổ chức tôn giáo đang bị bách hại tại Việt Nam. Họ đến đây để nói lên điều gì cũng như hy vọng có sự thay đổi gì?
Mở đầu phiên khoáng đại, Linh Mục Lê Quốc Thăng, Tổng thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình, Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18/11/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, để mọi người hiểu rõ hơn về bản chất cũng như hiện tình về tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Ông nói:
“Một cách tổng quát, khi luật này được thông qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như chúng tôi rất giật mình, vì xem ra có một bước thụt lùi so với những dự thảo trước đó. Ví dụ Dự thảo 5 mà chính quyền đưa ra để các tôn giáo góp ý kiến thì chúng tôi thấy có những sự tiến bộ rất lớn: Tôn trọng quyền tự do tôn giáo; nhưng rất tiếc khi Bộ luật được thông qua thì lại là một bước lùi so với những dự thảo được đưa ra trước đó.”
Một cách tổng quát, khi luật này được thông qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như chúng tôi rất giật mình, vì xem ra có một bước thụt lùi so với những dự thảo trước đó.
- Linh Mục Lê Quốc Thăng
Đạo Hữu Dương Xuân Lương, tín đồ Cao Đài, cựu tù nhân lương tâm đến từ tiểu bang Texas cho RFA biết, ông đến tham dự Ngày vận động cho Việt Nam với ba mục tiêu: Thứ nhất là vận động các dân biểu và nghị sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ làm việc với chính quyền Việt Nam về những vi phạm của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do tôn giáo đạo Cao Đài cũng như các tôn giáo khác như Phật Giáo, Hòa Hảo, Công Giáo, Tin Lành…; Thứ hai là từ chính sách độc tài, nhà cầm quyền Việt Nam bóp nghẹt tiếng nói những người yêu nước, yêu nhân quyền, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, bắt giam họ một cách tùy tiện. Vị này bày tỏ mong muốn nói lên sự thật để các vị thuộc lập pháp, hành pháp Hoa Kỳ tác động lên chính quyền Việt Nam, buộc họ phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm; thứ ba là chế tài những viên chức Việt Nam có liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước.
Mong mỏi một sự thay đổi
|
“Vì 44 năm qua Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, chưa có nhân quyền cho nên mình phải trình bày để xem họ có thể giúp đỡ gì để thay đổi hiện tình đất nước. Hiện nay tôn giáo nằm dưới sự lãnh đạo của Nhà nước cộng sản Việt Nam. Vì thế tôi mong muốn cần phải có những tổ chức tôn giáo độc lập.”
Thượng Tọa diễn giải rằng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay do Nhà nước lập nên, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tất cả những lãnh đạo chủ chốt từ cấp trung ương đến địa phương đều là người của đảng. Họ làm theo mệnh lệnh và sự điều khiển của Mặt trận tổ quốc và công an nhiều hơn là của tăng ni và Phật tử.
Đạo Hữu Dương Xuân Lương cũng nêu lên mong muốn của mình:
“Nhà cầm quyền Việt Nam đã hứa rất nhiều lần nhưng không thực hiện. Nên tôi mong muốn ngành lập pháp Hoa kỳ tác động lên ngành hành pháp để đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC. Buộc Việt Nam phải tôn trọng những điều mà chính họ đã cam kết.”
Mục sư Tin Lành Vàng Chí Mình, cựu tù nhân tôn giáo với bản án chín năm tù, cho biết lý do ông có mặt trong buổi hôm nay:
“Tôi muốn trình bày cho quốc hội Hoa Kỳ biết lý do người Hmong bị đàn áp là vì đức tin theo Đức Chúa Trời. Vì đức tin mà chúng tôi trở thành người Hmông vô tổ quốc ngay trong đất nước mình bới họ bị tịch thu hộ tịch, hộ khẩu. Rất nhiều người Hmông rơi vô tình trạng này. Trẻ con khộng được đi học. Tất cả chỉ vì đức tin.”
Bà Gayle Manchin, Phó Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do tôn giáo Quốc tế đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC - Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Đề nghị của bà được cả hội trường vỗ tay tán thành.
Các quốc gia bị chỉ định như vậy sẽ bị Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp chế tài, bao gồm biện pháp trừng phạt kinh tế.
Theo một chỉ định bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì đây là những quốc gia có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 (HR 2431) và sửa đổi năm 1999 (Public Law 106-55).
Những nước "đặc biệt vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo" có nghĩa là có hệ thống, liên tục, vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo, bao gồm các vi phạm như: tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay đối xử hạ đẳng hay trừng phạt; kéo dài thời gian bị giam giữ mà không cần khởi tố; gây ra sự mất tích bằng cách bắt cóc hoặc giam giữ những người này một cách bí mật; hoặc phủ nhận trắng trợn quyền sống, tự do, hoặc sự an toàn của người dân.
Tôi muốn đưa trở lại luật chế tài các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền trong nước. Các biện pháp trừng phạt này sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi chính phủ VN thả tất cả các tù nhân chính trị và ngừng sử dụng bạo lực chống lại các nhà dân chủ đấu tranh ôn hòa.
- Thượng Nghị Sĩ John Cornyn
Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước bày tỏ quan điểm của mình với RFA khi dấn thân lên tiếng cho những người dân trong nước:
“Chắc chắn khi tôi bước chân ra đây thì nhà cầm quyền Việt Nam theo dõi từng bước chân của tôi. Trước khi đi tôi cũng đắn đo và chấp nhận tất cả những điều có thể xảy ra như bắt bớ, giam cầm, tù đày…
Tôi sẵn sàng cho những điều đó bởi tôi nghĩ quyền lợi của tổ quốc, của nhân dân lên trên quyền lợi nhỏ bé của cá nhân tôi. Đó là ý nguyện và cách sống của chúng tôi”.
Thượng Nghị Sĩ John Cornyn, tác giả Dự luật Chế tài vì Đàn áp Nhân quyền ở Việt Nam lên tiếng:
“Tôi muốn đưa trở lại luật chế tài các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền trong nước. Các biện pháp trừng phạt này sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi chính phủ VN thả tất cả các tù nhân chính trị và ngừng sử dụng bạo lực chống lại các nhà dân chủ đấu tranh ôn hòa.
Chúng ta tích cực củng cố mối quan hệ song phương. Nhưng sự thành công của mối quan hệ Việt - Mỹ đòi hỏi hồ sơ nhân quyền của VN phai được cải thiện. Có những bước tiến cũng như thụt lùi về nhân quyền trong những tháng gần đây. Tôi cảm thấy được khuyến khích bởi tổng thống Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo đến Việt Nam vào tháng 2 và tôi tiếp tục thúc giục họ đề cao quyền con người ở VN”.
Theo thống kê được ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn ra tại buổi họp hôm nay, tính đến tháng 6/2019 đã có 256 tù nhân lương tâm bị giam giữ và cầm tù tại Việt Nam.
Diễm Thi
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét