Chính sách liên minh của Mỹ: Quá khứ, hiện tại và tương lai - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Chính sách liên minh của Mỹ: Quá khứ, hiện tại và tương lai


Một trong những hòn đá tảng của bá quyền Mỹ là hệ thống liên minh toàn cầu bao phủ khắp các châu lục và đại dương. Tuy nhiên, công trình an ninh đồ sộ này không phải là sản phẩm của một “bản vẽ ” lớn mà xuất phát từ một loạt các quyết định tình thế nhằm đối phó với các mối đe doạ khác nhau, đặc biệt trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Kết quả là một cấu trúc liên minh phức tạp với nhiều mảnh ghép khác biệt. Bài viết này sẽ phân tích ba đặc điểm chủ đạo trong chính sách liên minh của Mỹ và đánh giá triển vọng của hệ thống liên minh này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ đó rút ra hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Chính sách liên minh của Mỹ: Quá khứ, hiện tại và tương lai

Hệ thống liên minh quân sự toàn cầu mà nhiều thế hệ lãnh đạo người Mỹ dày công xây dựng từ lâu đã trở thành một trong những trụ cột chính yếu của trật tự thế giới tự do cũng như đại chiến lược Mỹ.[1] Mạng lưới căn cứ quân sự và đồng minh toả khắp năm châu là nền tảng vững chắc cho sức mạnh Mỹ, cho phép nước này triển khai sức mạnh quân sự tới bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vỏn vẹn một giờ đồng hồ.[2] Không có các đồng minh, Mỹ không thể duy trì được ưu thế áp đảo quân sự cũng như sức ảnh hưởng chính trị ở tất cả các khu vực trọng yếu cùng lúc. Vì vậy, Tổng thống Trump dù đã nhiều lần đe doạ rút khỏi các cam kết an ninh của Mỹ nhưng đến nay vẫn duy trì các mối quan hệ đồng minh đã được thiết lập.[3]

Công trình an ninh đồ sộ này là sản phẩm của cả một quá trình kiến thiết lâu dài qua nhiều thời kỳ khác nhau. Trên thực tế, hệ thống liên minh Mỹ không phải là tác phẩm của một “bản vẽ” (blueprint) mà xuất phát từ một loạt các quyết định tình thế nhằm đối phó với nhiều mối đe doạ khác nhau, đặc biệt trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, hệ thống liên minh Mỹ chưa bao giờ là một khối đồng nhất mà là một hệ thống phức tạp với nhiều mảnh ghép khác biệt, có giá trị không tương đồng. Bài viết này do đó sẽ phân tích ba đặc điểm chủ đạo của chính sách liên minh Mỹ và đánh giá triển vọng của hệ thống liên minh này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, từ đó rút ra hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Lược sử quá trình hình thành hệ thống liên minh quân sự Mỹ

Từ khi giành độc lập vào năm 1776 cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nước Mỹ về cơ bản đã theo đuổi đường lối đối ngoại “biệt lập” (isolationist).[4] Mặc dù mức độ can dự quốc tế của Mỹ tăng dần theo thời gian cùng sự phát triển về tiềm lực quốc gia nhưng chỉ sau năm 1945 các nhà lãnh đạo Mỹ mới đi đến kết luận rằng được bao bọc bởi hai đại dương vẫn không đủ để bảo vệ nước Mỹ khỏi các mối đe doạ từ bên ngoài. Do đó, trong khi xây dựng liên minh để tạo cân bằng quyền lực từ lâu đã là nét đặc trưng của chính trị cường quyền Châu Âu[5] thì mãi đến khi Chiến tranh Lạnh nổ ra Mỹ mới lần đầu tiên tham gia vào liên minh quân sự trong thời bình.[6]

Nhìn lại Chiến tranh Lạnh, các nhà quan sát đương thời sẽ dễ lầm tưởng rằng các liên minh quân sự mà Mỹ thiết lập trong thời kỳ này chỉ đơn thuần là những mảnh ghép khác nhau của cùng một hệ thống được “thiết kế” duy chỉ để kiềm chế Liên Xô toàn diện. Mặc dù một trong các mục tiêu của những liên minh quân sự mà Mỹ tạo ra là kiềm chế Liên Xô, song không phải liên minh nào cũng lấy việc kiềm chế Liên Xô làm mục tiêu chủ đạo. Trên thực tế, hệ thống liên minh toàn cầu này được cấu thành từ một loạt các quyết định tình thế với các lôgic riêng biệt để đối phó với những mối đe dọa khác nhau; kiềm chế Liên Xô nhiều khi chỉ là mục tiêu phụ.

Hiệp ước tương hỗ Liên Mỹ Châu (còn gọi là Hiệp ước Rio) được ký kết năm 1947[7] trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Xô đã trở nên rất căng thẳng và Mỹ bắt đầu lo ngại trước sự xâm nhập của Liên Xô vào sân sau của mình. Do khoảng cách địa lý, các quốc gia Mỹ – Latinh không đối mặt với mối đe doạ quân sự lớn như các quốc gia nằm cạnh “Bức màn Sắt”. Không có tính chất hợp tác quốc phòng chặt chẽ như NATO, khối Rio ngay từ đầu đã được xem như một sự thiết chế hóa của Học thuyết Monroe hơn là một liên minh quân sự thuần tuý.[8]

Khối NATO (1949) được thiết lập trên hết để ngăn ngừa quân đội Liên Xô tấn công xâm lược Tây Âu. Tuy Mỹ từ lâu đã là lãnh đạo của khối NATO nhưng trên thực tế NATO không phải là sáng kiến của Mỹ mà là của các nước Tây Âu. Không những vậy, nhà ngoại giao kỳ cựu George Kennan – cha đẻ của chiến lược kiềm chế (containment) khi đó còn lên tiếng phản đối NATO mạnh mẽ.[9] Chỉ sau nhiều biến cố ở khu vực này, bao gồm cả sự kiện Berlin bị phong toả thì Mỹ mới đồng ý tham gia vào liên minh này.[10]

Không có tính ràng buộc chặt chẽ và thậm chí không phải là một hiệp ước phòng thủ chung (mutual defense treaty) đúng nghĩa[11], khối Liên minh Trung Đông (CENTO) ở Trung Đông được thành lập năm 1955 phần để giúp Anh Quốc duy trì sức ảnh hưởng với các nước thuộc địa cũ, phần để Mỹ ngăn Liên Xô gây ảnh hưởng tại khu vực giàu tài nguyên chiến lược này.

Ở Đông Á, các liên minh của Mỹ cũng phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Nếu như các liên minh song phương Mỹ – Nhật (1951), Mỹ – Hàn (1953) xuất phát từ nhu cầu bình ổn bán đảo Triều Tiên sau khi chiến tranh nổ ra thì liên minh Mỹ – Đài (1954) lại là biện pháp răn đe Trung Quốc, vốn nuôi ý định dùng vũ lực chiếm lại Đài Loan sau khi Nội chiến Trung Quốc kết thúc. Bên cạnh đó những liên minh này cũng được Mỹ sử dụng như công cụ để kiểm soát chính sách đối ngoại của các đồng minh, tránh trường hợp những nước này lôi kéo Mỹ vào những xung đột ngoài ý muốn.[12]

Trong khi đó, những thập niên 1950 là thời kỳ thuyết domino[13] đặc biệt có ảnh hưởng trong giới lãnh đạo Mỹ. Washington khi đó lo rằng chỉ cần một nước Đông Nam Á theo chủ nghĩa cộng sản, làn sóng đỏ sẽ mau chóng nhấn chìm khu vực này nếu không có sự can thiệp của Mỹ. SEATO vì vậy được thành lập vào năm 1954 không chỉ để răn đe các cuộc tấn công quân sự chính quy trong khu vực mà còn để chống lại sự phá hoại chính trị trong nội bộ các nước thành viên của khối.[14]

Quá trình hình thành hệ thống liên minh toàn cầu Mỹ cho cấu trúc an ninh này phát triển từ từ một cách tự nhiên và có một số đặc điểm như sau. Thứ nhất, các liên minh của Mỹ chia làm hai dạng rõ rệt: liên minh chính thức (formal alliance) được thành lập theo hiệp ước quốc tế và liên minh không chính thức (informal alliance) không có hiệp ước liên minh. Thứ hai, trong khi một số liên minh của Mỹ ở Châu Á là liên minh song phương thì số còn lại đều là các liên minh đa phương. Cuối cùng, các liên minh quân sự của Mỹ không có giá trị ngang bằng nhau, tức cam kết của Mỹ đối với an ninh của một số đồng minh rõ ràng và chặt chẽ hơn một số cam kết khác. Đây là những đặc điểm mấu chốt của hệ thống liên minh Mỹ bởi những đặc điểm này không phổ biến đối với các liên minh khác và có ảnh hưởng rất lớn đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh. Trong phần tiếp theo, tác giả sẽ phân tích sâu hơn những đặc điểm này, từ đó đánh giá triển vọng của hệ thống trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Liên minh: chính thức và không chính thức

Ở mức độ cơ bản nhất, liên minh quân sự là một cam kết hợp tác an ninh giữa ít nhất hai quốc gia.[15] Theo giới học thuật, những cam kết này có thể tồn tại dưới hai dạng cơ bản: chính thức hoặc không chính thức. Trong một liên minh chính thức, các điều khoản quy định nội dung hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên sẽ được soạn thành một bản hiệp định quốc tế có tính ràng buộc pháp lý.[16] Vì vậy, việc không thực hiện đúng các cam kết đã được nêu ra trong hiệp ước liên minh không những vi phạm luật quốc tế mà còn có thể gây tổn thất nặng nề về mặt uy tín. Hơn nữa, trong trường hợp của Mỹ, tất cả các hiệp định quốc tế được ký kết phải được Thượng Viện phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Điều này gửi đi tín hiệu rằng bất kỳ liên minh chính thức nào của Mỹ đều nhận được sự ủng hộ lớn từ lưỡng đảng. Tất cả những yếu tố này giúp giảm thiểu khả năng Mỹ phản bội một đồng minh chính thức.

Liên minh không chính thức thường không có tính ràng buộc cao bằng liên minh chính thức bởi nó thường dựa vào những sự hiểu biết ngầm giữa hai bên hoặc các thoả thuận trong biên bản ghi nhớ. Các tổng thống Mỹ có thể sử dụng các bài diễn văn cùng các hợp đồng chuyển nhượng hay bán vũ khí để thể hiện cam kết của mình đối với an ninh của các đồng minh không chính thức như Israel hay Đài Loan. Tuy nhiên, do không có hiệp ước quốc tế ràng buộc các bên nên các thành viên của một liên minh không chính thức không có nghĩa vụ phải hỗ trợ nước đồng minh bị tấn công. Do đó, cái giá của việc phản bội một đồng minh không chính thức nhìn chung sẽ nhỏ hơn việc phản bội một đồng minh chính thức.

Ngoài các đồng minh chính thức, Mỹ duy trì mối quan hệ đồng minh không chính thức với một số nước như Ả Rập Xêut, Bahrain, Đài Loan, Israel, Pakistan, v.v…[17] Câu hỏi đặt ra là, dù vô tình hay hữu ý, tại sao các đồng minh của Mỹ lại được “chia” thành hai nhóm như vậy, nhất là khi điều này có thể sẽ khiến các đối thủ của Mỹ nghi ngờ cam kết của Washington đối với an ninh của những nước không thuộc nhóm đồng minh chính thức.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng yếu tố chính quyết định việc Mỹ có thiết lập quan hệ đồng minh chính thức hay không là mức độ tương đồng trong lợi ích. Một nước vừa có nhiều lợi ích tương đồng với Mỹ, vừa thiếu năng lực tự vệ trước các mối đe dọa an ninh sẽ vừa nhận được cam kết an ninh từ Mỹ, vừa được hỗ trợ về mặt khí tài quân sự.[18] Tuy nhiên, luận điểm này chưa hẳn thuyết phục bởi so với liên minh Mỹ – Israel thì khối Rio rõ ràng có sợi dây liên kết lỏng lẻo hơn. Khó có thể nói rằng một nước như Uruguay lại có mức độ song trùng lợi ích với Mỹ lớn hơn là Israel. Mặc dù vậy, trên thực tế Uruguay mới là nước đồng minh chính thức của Mỹ chứ không phải là Israel.[19]

Bên cạnh đó, cũng không thể loại trừ khả năng Mỹ chỉ ký hiệp ước đồng minh chính thức với những nước họ cho rằng có ít khả năng tự phát động chiến tranh. Là một cường quốc hạt nhân với vị trí địa – chính trị “trời cho”, mối lo ngại lớn nhất đối với Mỹ là phải tham gia vào những cuộc chiến phi nghĩa, không phục vụ lợi ích sát sườn. Do đó, sẽ dễ hiểu nếu Mỹ không muốn có quan hệ đồng minh quá thân thiết với những nước bị cho là có tiềm năng lôi kéo Mỹ vào những cuộc chiến ngoài ý muốn. Mặt khác, một trong những công cụ giúp Mỹ kiềm chế nước khác hữu hiệu nhất chính là một liên minh chặt chẽ. Nhật Bản và Hàn Quốc đến nay vẫn chưa phát triển vũ khí hạt nhân một phần vì liên minh với Mỹ.[20] Hơn nữa, Tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee trước đây tuy muốn sử dụng vũ lực để thống nhất Bán đảo Triều Tiên song cũng do sức ép của Mỹ nên từ bỏ ý định này.[21]

Một trong những điểm đáng chú ý của quá trình hình thành hệ thống liên minh Mỹ đó là tất cả các liên minh chính thức đều được thành lập trong vòng khoảng một thập niên đầu của Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước liên minh chính thức mà Mỹ ký kết là Hiệp ước Rio pact (1947) và hiệp ước cuối cùng là Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật (1960). Kể từ năm 1960 cho đến nay, Mỹ chỉ thiết lập thêm quan hệ đồng minh chính thức thông qua khối NATO chứ không xây dựng bất kỳ liên minh chính thức mới nào. Do đó một giả thiết tiềm năng khác là những liên minh chính thức của Mỹ hiện nay là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Mỹ trở thành cường quốc hùng mạnh nhất. Với bộ máy công nghiệp khổng lồ và tài nguyên dồi dào cùng quyết tâm to lớn, Liên Xô đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai siêu cường. Tuy nhiên kể cả khi Liên Xô mạnh nhất thì họ vẫn chưa bao giờ có thể trực tiếp đe doạ được an ninh của Mỹ, trừ khi phát động chiến tranh hạt nhân. Do đó, mối hiểm hoạ lớn nhất trong mắt các lãnh đạo Mỹ là việc Liên Xô đẩy mạnh làn sóng cộng sản và thu phục các quốc gia trọng yếu về phe mình. Trong bối cảnh đó, có thể xem các liên minh chính thức như các “chốt chặn” giúp khoá chặt ảnh hưởng của Mỹ ở các “nước chiến trường”.[22]

Một khi đã trở thành đồng minh chính thức của Mỹ, những nước này sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể về mặt kinh tế – quân sự nhưng cũng chịu sự chi phối về mặt chính sách rất lớn bởi Washington. Hơn nữa, khi đã trở thành đồng minh chính thức của Mỹ, các nước này sẽ không còn lựa chọn đi theo Liên Xô dù muốn đi chăng nữa. Bằng chuỗi liên minh chính thức này, Mỹ vô hình trung thiết lập một vành đai liên minh để ngăn không cho ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản lan rộng. Sau khi đã hoàn thành vành đai an ninh này, Mỹ không còn nhu cầu tìm kiếm thêm đồng minh chính thức nữa bởi những nước trọng yếu nhất và dễ bị Liên Xô tấn công hoặc thu phục nhất đã nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. Nếu điều này đúng thì nhiều khả năng Mỹ sẽ chỉ thiết lập thêm các liên minh chính thức mới nếu cạnh tranh Mỹ – Trung trở nên đặc biệt gay gắt giống như cạnh tranh Mỹ – Xô trong Chiến tranh Lạnh trước đây và kể cả khi đó thì Mỹ cũng sẽ chỉ chấp nhận quan hệ đồng minh chính thức với những nước vừa có vị trí địa – chính trị quan trọng, vừa có khả năng ngả theo Trung Quốc chống lại Mỹ.

Song phương và đa phương: hai hình thái, nhiều câu trả lời

Một trong những câu hỏi lớn nhất về liên minh Mỹ là tại sao Mỹ lại chọn hình thái liên minh song phương ở Đông Á trong khi các liên minh ở những khu vực còn lại như Tây Âu hay Đông Nam Á đều là liên minh đa phương. Nói cách khác, tại sao không có một NATO ở khu vực Đông Á? Cho đến thời điểm này, giới học thuật đã đưa ra một vài cách lý giải khác nhau cho bài toán hóc búa này như sau.

Thứ nhất, yếu tố địa – chính trị ngăn cản việc Mỹ thiết lập liên minh đa phương ở Châu Á. Ở Châu Âu, Mỹ có sẵn các đồng minh truyền thống và trục đối đầu Đông – Tây với Berlin làm tâm điểm trở nên rất rõ ràng sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Trong khi đó ở Đông Á, Mỹ không có bất kỳ đồng minh nào và với đặc điểm địa lý của mình, Đông Á không có một “bức màn sắt” nào rõ ràng chia cắt hai khối đối đầu. Do đó, Mỹ không có điều kiện thuận lợi để thiết lập một liên minh đa phương.

Thứ hai, theo hai học giả Christopher Hemmer và Peter Katzenstein, Mỹ chọn hình thái đa phương ở Châu Âu nhưng lại song phương ở Đông Á bởi sự song trùng về giá trị dân chủ và tôn giáo cùng sự gần gũi về mặt sắc tộc.[23] Cụ thể hơn, trong khối NATO, các quốc gia thành viên đều là các nước “da trắng” và đều là các nước dân chủ – tư bản. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ cảm thấy Mỹ và các đồng minh Tây Âu – Bắc Mỹ cùng là một bộ phận của cộng đồng Đại Tây Dương, trong khi đó nhìn nhận châu Á như một cộng đồng chính trị xa lạ. Đây là những yếu tố quan trọng cho các đồng minh hoà hợp trong một liên minh. Vì vậy Mỹ chọn phương án song phương với các quốc gia Đông Á.

Một quan điểm thứ ba lại cho rằng Mỹ chọn liên minh song phương ở Đông Á trước hết để “trói tay” các đồng minh được cho là có thể theo đuổi chính sách đối ngoại liều lĩnh. Dù Nhật Bản đã bị đánh bại nhưng bản thân Mỹ và các quốc gia láng giềng của Nhật Bản đều lo rằng nước này có thể tái vũ trang và trả thù cho sự thất bại trong cuộc Thế Chiến. Trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ biết rằng Tổng thống Syngman Rhee có ý định phát động chiến tranh xâm lược Bắc Triều Tiên để thống nhất đất nước. Tương tự như vậy, Đài Loan dưới thời Tưởng Giới Thạch vẫn nuôi mộng chiếm lại Trung Hoa đại lục và thậm chí đã lên bảng biểu rõ ràng cho một cuộc tấn công xâm lược qua eo biển Đài Loan.[24] Theo cách giải thích này, Mỹ chọn liên minh song phương với những nước trên để tối đa hoá sức mặc cả với các đồng minh, ngăn các đồng minh này đẩy Mỹ vào thế buộc phải dấn thân vào những cuộc chiến ngoài ý muốn.

Những cách lý giải này tuy có những điểm hợp lý nhất định nhưng nhìn chung không đủ sức thuyết phục. Thứ nhất, luận điểm dựa trên yếu tố địa – chính trị mang tính không giải thích được tại sao Mỹ lại theo đuổi liên minh đa phương ở Tây Bán Cầu (khối Rio), ở Trung Đông (khối CENTO) và ở Đông Nam Á (khối SEATO). Tương tự, nếu vấn đề gần gũi về mặt sắc tộc hay giá trị mang tính quyết định thì việc Mỹ thiết lập các liên minh đa phương ở những khu vực nêu trên là bất hợp lý. Cuối cùng, tuy không thể phủ nhận được giá trị của liên minh trong việc “trói tay” các đồng minh nhưng không có lý do gì để tin rằng liên minh song phương luôn thực hiện mục tiêu này tốt hơn liên minh đa phương. Trong một liên minh đa phương, một nước “liều lĩnh” như Hàn Quốc dưới thời Syngman Rhee sẽ không những vấp phải sự phản đối của Mỹ mà còn của các đồng minh khác trong khối vì không nước nào muốn tham chiến khi không có lợi ích sát sườn bị đe dọa. Do đó thậm chí có thể lập luận rằng liên minh đa phương sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế đồng minh tốt hơn đa phương.

Câu trả lời hợp lý hơn cả là hình thái liên minh sẽ phụ thuộc vào bản chất của mối đe dọa đối với các đồng minh. Ở các khu vực Mỹ thiết lập liên minh đa phương, mối đe dọa chủ yếu đến từ một nơi duy nhất là Liên Xô. Khi các đồng minh cùng chia sẻ cùng đối mặt với một mối đe dọa, việc phối hợp ngang sẽ trở nên đặc biệt trọng yếu để đảm bảo không có mắt xích nào trong liên minh dễ bị thao túng. Hình thái đa phương là phù hợp nhất đối với mục tiêu phối hợp ngang giữa các đồng minh có chia sẻ cùng một mối đe dọa bởi khi đó hiệu suất phối hợp sẽ cao hơn.

Ngược lại, khi mỗi đồng minh đối mặt với một mối đe dọa riêng, ưu tiên cao nhất không phải là phối hợp ngang mà là đưa ra được giải pháp nhanh gọn và hiệu quả nhất trong mọi tình huống. Một liên minh đa phương có nhiều thành viên nên sẽ có nhiều điểm phủ quyết (veto point), hệ quả là quá trình ra quyết sách sẽ dễ bế tắc và thiếu hiệu quả hơn. Cách tiếp cận này giải thích hợp lý sự hình thành của các liên minh của Mỹ tại châu Á vào những năm 1950. Vào thời điểm đó, Đài Loan lo ngại nhất sự tấn công quân sự của Trung Quốc qua eo biển Đài Loan; Hàn Quốc lại chỉ bận tâm tới mối đe dọa quân sự từ Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, tại thời điểm đó cả hai nước trên đều còn nhiều ác cảm với Nhật Bản. Trong trường hợp đó, phương án đa phương gần như không khả thi và vì vậy, lựa chọn liên minh song phương với từng đồng minh là phù hợp với nhu cầu và tình thế của Mỹ ở Đông Á hơn cả.

Hơn nữa, cách tiếp cận này cũng làm rõ nguyên nhân hình thành và giải tán của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Năm 1954, SEATO ra đời trong bối cảnh khối xã hội chủ nghĩa mở rộng ở Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á cùng có chung thách thức an ninh từ chủ nghĩa cộng sản. Do đó, hình thức liên minh đa phương là hình thái hợp lý để đối phó với cùng một mối đe doạ. Năm 1977, mặc dù khối xã hội chủ nghĩa mở rộng thêm ở Đông Nam Á, nhưng làn sóng cộng sản đã không xảy ra theo kiểu domino. Thời điểm này, Mỹ không còn e ngại nhiều về sự gia tăng của chủ nghĩa cộng sản: hoà hoãn với Liên Xô, bắt đầu quá trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, và không cản trở Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Do đó, SEATO mất mối đe doạ chung, vì vậy các đồng minh và Mỹ cũng mất lý do chính để tồn tại.

Cam kết an ninh: không phải liên minh nào cũng “bình đẳng” như nhau

Bất kể liên minh nào cũng là một sự hợp tác quân sự giữa các nước tham gia nhưng không phải vì vậy mà tất cả các liên minh đều giống nhau. Trên lý thuyết, các liên minh có thể được chia ra làm năm dạng cơ bản[25]. Liên minh phòng thủ yêu cầu các đồng minh phải bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bất kỳ thành viên nào bị tấn công. Liên minh tấn công buộc các thành viên hỗ trợ đồng minh của mình trong cả trường hợp đồng minh chủ động sử dụng vũ lực tấn công nước khác. Trong khi đó, dạng liên minh thứ ba – liên minh tham vấn (consultation pact) chỉ yêu cầu các nước đồng minh trao đổi, tham vấn lẫn nhau trong trường hợp bất kỳ đồng minh nào lâm vào một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Yếu hơn chút nữa, liên minh trung lập chỉ yêu cầu các đồng minh cam kết không hỗ trợ bất kỳ bên thứ ba nào khi một trong các đồng minh bị tấn công. Cuối cùng, hình thức liên minh lỏng lẻo nhất là một hiệp ước “bất tương xâm” (non-aggression pact). Ví dụ điển hình là Liên Xô và Đức Quốc Xã ký kết năm 1939. Hai nước ký kết hiệp ước bất tương xâm chỉ cam kết không tấn công lẫn nhau trong thời gian hiệp ước còn giá trị.

Các quốc gia hiểu rằng liên minh quân sự trước hết là công cụ để tập hợp lực lượng và nhìn chung nhằm ngăn ngừa chiến tranh.[26] Nếu như thế, cam kết càng chặt chẽ và rõ ràng thì sức mạnh của liên minh càng lớn và ngược lại. Do đó, để tối đa hóa sức mạnh răn đe, các quốc gia có động lực để chọn hình thức liên minh chặt chẽ nhất với mức độ cao nhất trong mọi trường hợp. Tuy nhiên thực tế cho thấy các quốc gia lựa chọn nhiều hình thức liên minh đa dạng, linh hoạt theo từng tình huống chứ không theo bất kỳ một khuôn mẫu nào. Vì các quốc gia sẽ chọn hình thức liên minh một cách có chủ đích chứ không phải ngẫu nhiên nên chiều sâu của một liên minh sẽ phản ánh tính chất và mức độ gần gũi trong mối quan hệ giữa các đồng minh.

Như đã phân tích ở trên, các liên minh của Mỹ có thể chia thành hai nhóm: liên minh chính thức và không chính thức. Sự phân chia này không nhất thiết dẫn đến kết luận rằng tất cả các đồng minh chính thức của Mỹ đều quan trọng hơn các đồng minh không chính thức bởi luôn có những trường hợp ngoại lệ như Israel hay Đài Loan. Tuy nhiên, nhìn chung thì khó có thể đặt Bahrain hay Singapore ngang tầm với Hàn Quốc hay Đức. Chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy sự khác biệt là số lượng căn cứ quân sự và số lính Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của các đồng minh. Ở Hàn Quốc, Mỹ có 15 căn cứ quân sự và ở Đức, Mỹ có tới 21 căn cứ như vậy. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 2 căn cứ ở Bahrain và Singapore[27]. Theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Pew, Mỹ có khoảng 34.600 quân lính đồn trú ở Đức và hơn 24.000 lính ở Hàn Quốc. Mỹ không có bất kỳ binh lính nào ở Singapore và ở Bahrain, Mỹ chỉ có khoảng 5.300 lính.[28] Do đó, dù vô tình hay cố ý, Mỹ gửi đi tín hiệu rằng các đồng minh chính thức ở các điểm nóng được coi trọng hơn và ưu tiên hơn so với các đồng minh khác.

Sự phân cấp “ngầm” này không chỉ tồn tại giữa các đồng minh không chính thức và chính thức mà còn tồn tại giữa các liên minh chính thức của Mỹ. Trong mười hiệp ước liên minh mà Mỹ ký kết trong giai đoạn 1947-1960, hiệp ước Baghdad (1955) tạo ra khối CENTO là hiệp ước duy nhất không có điều khoản yêu cầu các thành viên của liên minh phải tham gia vào nỗ lực phòng thủ chung khi bất kỳ đồng minh nào bị tấn công. Đối với các thành viên của CENTO, mức độ cam kết hợp tác quốc phòng bắt buộc chỉ dừng lại ở tham vấn. Trong khi đó, những hiệp ước phòng thủ chung còn lại đều có điều khoản quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh”.[29] Vì vậy có thể xem khối CENTO (bị giải thể vào năm 1979) là mắt xích yếu nhất trong chuỗi liên minh toàn cầu của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là tất cả các hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ đều bao hàm mức độ cam kết như nhau. Ví dụ điển hình và có hàm ý trực tiếp nhất đối với Việt Nam là trường hợp liên minh Mỹ – Nhật và Mỹ – Philippines . Một trong những câu hỏi thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian qua là liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản và Philippines hay không nếu Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm những đảo và đá đang có tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. Đây là mối lo ngại lớn của hai đồng minh trên bởi lâu nay Mỹ vẫn duy trì lập trường trung lập trong vấn đề chủ quyền ở những khu vực có tranh chấp trên. Hơn nữa, một cuộc tấn công vào những đảo có tranh chấp nhiều khả năng không đặt ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với Mỹ như một cuộc tấn công vào phần lãnh thổ đất liền của Nhật Bản hay Philippines.

Nếu các hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ đều có giá trị ngang bằng nhau, Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh như nhau trong các trường hợp giống nhau. Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là nếu Mỹ bảo vệ Nhật Bản khi đảo Senkaku bị tấn công thì Mỹ cũng phải bảo vệ Philippines khi bãi cạn Scarborough bị tấn công. Tuy nhiên cho đến giờ, Mỹ mới chỉ công khai khẳng định rằng đảo Senkaku được bảo trợ bởi Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật.[30] Trong khi đó, tại Diễn đàn Shangri-La năm nay, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã không đưa ra tuyên bố tương tự khi được hỏi về cam kết của Mỹ đối với an ninh của Philippines trong trường hợp tàu chiến hay đảo của nước này ở Biển Đông bị tấn công.[31]

Sự “phân biệt đối xử” rõ rệt của Mỹ trong hai trường hợp không phải là ngẫu nhiên. Nếu như điều khoản số 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật (1960) nêu rõ rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào đối với một trong hai thành viên trên lãnh thổ dưới sự quản lý (administration) của Nhật Bản là mối đe doạ đối với cả hai thì điều khoản số 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ – Philippines (1951) chỉ xem các cuộc tấn công vũ trang trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán (jurisdiction) của cả hai ở khu vực Thái Bình Dương là mối đe doạ chung đối với an ninh của cả hai. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rằng việc giới hạn phạm vi của hiệp ước liên minh sẽ giảm tác dụng răn đe ở khu vực có tranh chấp nhưng họ vẫn chấp nhận sự đánh đổi đó và chủ đích soạn hai bản hiệp ước liên minh với nội dung khác nhau để giảm thiểu khả năng phải tham gia vào một cuộc chiến không đáng có ở Biển Đông.

Những ví dụ trên chứng minh rằng hệ thống liên minh Mỹ không phải là một khối thống nhất mà là sự tổng hoà của nhiều mảnh ghép khác nhau với giá trị không tương đồng. Bởi việc không tôn trọng cam kết bảo vệ đồng minh có thể ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ nói chung và uy tín của Mỹ đối với các đồng minh nói riêng, Mỹ vẫn luôn có động lực lớn để bảo vệ các đồng minh khi an ninh của những nước này bị đe doạ. Tuy nhiên không phải đồng minh nào cũng quan trọng như nhau trong mắt các nhà lãnh đạo Mỹ và nếu như vậy, một bản hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ chưa chắc đã là một sự bảo đảm tuyệt đối với an ninh của một quốc gia.

Triển vọng liên minh quân sự Mỹ và hàm ý cho Việt Nam

“Nếu có nguyên tắc đối ngoại nào là bất biến ở Washington thì đó là hệ thống liên minh quân sự và trật tự thế giới Mỹ là bất khả xâm phạm.”[32]

Nếu một tổng thống thích và sẵn sàng tạo ra sự xáo trộn lớn như Donald Trump vẫn chấp nhận gò mình vào khuôn khổ liên minh mà các thế hệ lãnh đạo Mỹ đi trước đã dày công xây đắp thì khả năng rất cao là mạng lưới liên minh toàn cầu này vẫn sẽ đứng vững trong thời gian sắp tới. Các đồng minh và hàng trăm căn cứ quân sự toả khắp năm châu sẽ vẫn là bàn đạp để Mỹ thi triển sức mạnh quân sự của mình và kiềm chế các cường quốc có tiềm năng trở thành bá quyền. Vì thế, ngày nào Mỹ vẫn còn đủ sức để duy trì công trình an ninh đồ sộ này, ngày đó liên minh vẫn còn là trụ cột trong chính sách đối ngoại Mỹ.

Tuy nhiên đây cũng là một điểm bất lợi tiềm tàng của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược hiện nay với Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong khi Trung Quốc có thể tập trung gần như toàn bộ sức lực của mình cho một mặt trận duy nhất thì hệ thống liên minh toàn cầu buộc Mỹ phải căng trải sự chú ý và nguồn lực cho nhiều khu vực khác nhau.[33] Do đó, Mỹ gần như chắc chắn sẽ phải tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc ở thế thiệt hơn trong một khoảng thời gian rất dài, trừ khi Mỹ suy yếu đến mức bắt buộc phải cắt giảm các cam kết khác để đầu tư cho việc kiềm chế Trung Quốc.

Mặt khác, kể cả những học giả cho rằng Mỹ nên cắt giảm các cam kết toàn cầu và hạn chế can dự vào các vấn đề quốc tế vẫn ủng hộ việc Mỹ duy trì các quan hệ đồng minh ở Đông Á trước một Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn ở Biển Đông.[34] Mặc dù tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục, chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) mà Trump đề xuất có nhiều nét tương đồng với chiến lược của người tiền nhiệm Obama. Các đồng minh vẫn là những hòn đá tảng trong chiến lược FOIP. Và dù là xoay trục hay FOIP, kiềm chế Trung Quốc và đảm bảo tự do hàng hải đồng thời giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang nổ ra ở Biển Đông vẫn là hai mục tiêu song song mà Mỹ kiên trì theo đuổi bấy lâu nay.

Câu hỏi đặt ra là những liên minh Mỹ sẵn có trong khu vực hiện nay liệu đã đủ để giúp Mỹ đạt được hai mục tiêu trên hay chưa. Liệu Mỹ có cần tìm kiếm thêm đồng minh mới để ngăn chặn bước tiến của hải quân Trung Quốc hay không? Trong những năm gần đây, một số nhà quan sát đã lên tiếng kêu gọi việc thành lập một liên minh quân sự Việt – Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.[35] Tuy ông Trump đã ngay lặp tức rút ra khỏi Hiệp định TPP sau khi lên nắm quyền nhưng quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ vẫn có những bước tiến lớn trong thời gian vừa qua với minh chứng rõ ràng nhất là chuyến thăm lịch sử của tàu sân bay USS Carl Vinson tới Đà Nẵng đầu năm nay. Mặc dù vậy, những động thái này không đồng nghĩa với việc hai bên đang tiến đến thiết lập quan hệ đồng minh. Hơn nữa, việc xây dựng liên minh sẽ còn gặp nhiều rào cản đáng kể chừng nào phía Việt Nam còn lấy nguyên tắc quốc phòng “ba không”: (i) không liên minh quân sự, (ii) không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và (iii) không dựa vào nước này để chống nước kia[36], làm kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại.

Như đã phân tích ở trên, cách thức mà Mỹ đã phát triển hệ thống liên minh của mình cho thấy nhiều khả năng Mỹ sẽ không tìm kiếm một đồng minh chính thức để đối phó với Trung Quốc trong tương lai gần. Một đồng minh chính thức đang có tranh chấp “nóng” với kình địch sẽ gia tăng rủi ro đáng kể cho phía Mỹ. Dù ai là chủ nhân của Nhà Trắng đi nữa thì Mỹ đều không muốn phải đụng độ quân sự với Trung Quốc, nhất là nếu chỉ vì vài hòn đảo hay bãi đá ở Biển Đông.[37] Hơn nữa, chiến lược “cắt lát salami” của Trung Quốc rất có thể sẽ làm xói mòn tính răn đe của một liên minh chính thức và nhanh chóng cho thấy sự trống rỗng của cam kết an ninh từ phía Mỹ.[38] Điều này không chỉ đe doạ mối quan hệ Việt – Mỹ mà còn có thể làm suy yếu lòng tin của các đồng minh khác vào Mỹ.

Chiến lược FOIP mà Mỹ đang theo đuổi thường được gắn liền với “kim cương an ninh” gồm bốn cường quốc dân chủ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tuy nhiên một liên minh đa phương chính thức như NATO không phải là giải pháp khả thi bởi khoảng cách địa lý và sự khác biệt trong lợi ích đồng nghĩa với việc những nước này có những ưu tiên rất khác nhau. Đối với Nhật Bản, biển Hoa Đông vẫn là ưu tiên số một còn Ấn Độ vẫn dè chừng đối với Pakistan trên đất liền hơn là Trung Quốc ở Biển Đông. Úc có lợi ích trong việc duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông nhưng không có yêu sách chủ quyền và cũng không bị đe doạ quân sự trực tiếp từ Trung Quốc. Khác với các quốc gia nằm ở phía tây của “bức màn sắt” trong Chiến tranh Lạnh, sự song trùng lợi ích giữa các đồng minh dân chủ của Mỹ ở Châu Á không đủ lớn để đẩy họ vào thế buộc phải hợp tác với nhau chặt chẽ.

Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh rằng việc một liên minh như NATO có hình thành ở Châu Á hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách Trung Quốc hành xử trong thời gian tới. Nếu Bắc Kinh tiếp tục sử dụng con bài “chia để trị” một cách khôn ngoan, vừa làm tan băng quan hệ với một số nước, vừa gây sức ép với một số khác thì gần như chắc chắn một “NATO Châu Á” sẽ không thể hình thành. Mặt khác, nếu Trung Quốc chọn đường lối ngoại giao hung hăng hiếu chiến như Đức trước thềm Chiến tranh thế giới thứ nhất, và đặc biệt nếu Bắc Kinh sử dụng vũ lực để tấn công chiếm đảo, các nước còn lại sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ qua các mối quan tâm thứ yếu và tập hợp lực lượng để ngăn Trung Quốc.

Nếu lãnh đạo hai nước Việt – Mỹ quyết định làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác quốc phòng hiện nay hơn nữa thì một mối quan hệ hợp tác chiến lược không chính thức như liên minh Mỹ – Israel là khả thi nhất. Về mặt hình thức, mối quan hệ này sẽ được xây dựng trên nền tảng các bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng thay vì một hiệp ước quốc tế. Nếu hai bên ký kết một hiệp ước liên minh, bản hiệp ước này sẽ cần phải được phê chuẩn bởi Thượng Viện Mỹ trước khi có hiệu lực. Do sự khác biệt về hệ thống chính trị và ý thức hệ, quá trình này sẽ gặp nhiều rào cản. Tuy nhiên nếu hai bên hợp tác qua bản ghi nhớ và những sự hiểu biết ngầm, Tổng thống Mỹ sẽ có toàn quyền quyết định. Vì vậy hình thức không chính thức sẽ khiến việc nâng cao quan hệ hợp tác quốc phòngtrở nên dễ dàng hơn.

Trong trường hợp lý tưởng, Mỹ sẽ đơn phương cam kết đảm bảo an ninh cho Việt Nam trong trường hợp Trung Quốc chủ động dùng vũ lực để tấn công và chiếm đóng bất kỳ phần lãnh thổ nào hiện đang thuộc sự quản lý của Việt Nam. Hai bên có thể cũng sẽ thiết lập các kênh chia sẻ tình báo nhằm phòng tránh trường hợp bất kỳ nước thứ ba nào bất ngờ tạo ra “sự đã rồi” ở khu vực có tranh chấp. Tuy nhiên, phía Mỹ có thể sẽ yêu cầu Việt Nam cam kết không tham gia vào bất kỳ tập hợp lực lượng nào để chống lại Mỹ và thậm chí phải tạo điều kiện để hải quân Mỹ sử dụng các căn cứ hậu cần trong cả thời bình và thời chiến. Hơn nữa, trong một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ như vậy, Washington cũng sẽ đề nghị Hà Nội tham vấn họ trước khi đi đến bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc và ASEAN trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Đối với một siêu cường như Mỹ, liên minh song phương không chỉ là một công cụ để răn đe kình địch, trấn an đồng minh mà còn là cách để họ kiểm soát các nước khác. Người Mỹ dù không muốn Trung Quốc tấn công Việt Nam nhưng cũng đồng thời muốn đảm bảo rằng Việt Nam không vì có nước lớn “chống lưng” nên sẽ thi hành chính sách ngoại giao mạo hiểm hơn. [39] Tuy nhiên là nước luôn đặt mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định khu vực lên trên hết và chưa bao giờ chủ động dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, Việt Nam sẽ không chịu thiệt đáng kể bởi sự kiểm soát từ phía Mỹ.

Nhìn chung, một liên minh Việt – Mỹ dù không chính thức vẫn là một viễn cảnh của tương lai xa. Việc thành lập một liên minh như vậy chắc chắn sẽ gặp phải rào cản chính trị đáng kể ở cả hai nước. Trong khi phía Mỹ lo ngại rằng việc có một đồng minh ở sát biên giới với Trung Quốc như vậy sẽ là một sự khiêu khích đối với Bắc Kinh thì Việt Nam lại lo rằng Mỹ có thể sẽ “thí” những đồng minh của họ như đã từng làm với Đài Loan hay Việt Nam Cộng Hòa.

Kể cả khi cam kết an ninh của Mỹ đối với Việt Nam là một chiều và Việt Nam không công khai tuyên bố rằng mình đã chấm dứt chính sách “ba không” thì phía Trung Quốc vẫn thừa hiểu rằng đây là một nước đi đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách ngoại giao của Việt Nam. Trong trường hợp đó, rất có thể Trung Quốc sẽ có những đòn “nắn gân” để thử thách độ vững chắc của liên minh này, đẩy cả hai đồng minh Việt Nam và Mỹ vào thế khó. Như sự kiện Bãi cạn Scarborough năm 2012 hay cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 đã cho thấy, Trung Quốc có rất nhiều cách tạo sức ép dưới mức gây ra chiến tranh. Trong trường hợp đó, liên minh sẽ bị vô hiệu hóa bởi nhiều khả năng Mỹ sẽ không can thiệp để bảo vệ đồng minh của mình. Do đó, hai bên Việt Nam và Mỹ chỉ nên tính đến việc thiết lập một liên minh như trên nếu cả hai bên có thể tìm ra phương cách để hóa giải chiến lược bành trướng kiểu “cắt lát salami” của Trung Quốc ở Biển Đông/.


Ngô Di Lân
NCQT
Ghi Chú:

[1] Hal Brands và Peter Feaver, “What Are America’s Alliances Good For?” Parameters 47, số 2 (2017): 26.

[2] Michael Beckley, Unrivaled: Why America Will Remain the World’s Sole Superpower (Ithaca: Cornell University Press, 2018): 1.

[3] Paul K. McDonald, “America First? Explaining Continuity and Change in Trump’s Foreign Policy,” Political Science Quarterly 133, số 3 (2018): 414.

[4] Những bài diễn văn kinh điển về chính sách đối ngoại Mỹ như diễn văn từ nhiệm của Tổng thống Washington (1796), diễn văn của Tổng thống John Quincy Adams trước Hạ Viện Mỹ về chính sách đối ngoại (1821) cũng như việc Thượng viện Mỹ không phê chuẩn Mỹ tham gia Hội Quốc Liên cho thấy xu hướng biệt lập trong đường lối đối ngoại Mỹ trước năm 1945.

[5] Đặc điểm địa – chính trị của Châu Âu với nhiều cường quốc cùng chia sẻ biên giới trên đất liền khiến việc tham gia vào liên minh quân sự để tạo thế cân bằng quyền lực trở thành một nhu cầu tự nhiên.

[6] Mỹ từng tham gia vào một số liên minh quân sự trước Chiến tranh Lạnh (ví dụ như liên minh với Pháp chống lại Anh trong Cách mạnh Mỹ. Tuy nhiên những liên minh đó đều ngắn hạn và phục vụ mục tiêu cụ thể trong thời kỳ chiến tranh.

[7] Đây là liên minh quân sự chính thức đầu tiên Mỹ tham gia trong thời bình.

[8] Sean Kay, NATO and the Future of European Security (Oxford: Rowman & Littlefield Publishers, 1998): 15.

[9] John L. Gaddis, Strategies of Containment: A Critical Appraisal of American National Security Policy during the Cold War (Oxford: Oxford University Press, 2005): 71.

[10] Lawrence A. Kaplan, “The United States and the Origins of NATO 1946-1949,” The Review of Politics 31, số 2 (1969): 217.

[11] Một hiệp ước liên minh không phải là hiệp ước phòng thủ chung nếu không có điều khoản bắt buộc tất cả các nước thành viên phải bảo vệ lẫn nhau khi bất kỳ thành viên nào của liên minh bị tấn công.

[12] Xem thêm Victor D. Cha, “Powerplay: Origins of the U.S. Alliance System in Asia,” International Security 34, số 3 (2009/2010): 158-196.

[13] Xem thêm Jerome Slater, “The Domino Theory and International Politics: The Case of Vietnam,” Security Studies 3, số 2 (1993): 186-224.

[14] John Duffield, “Why is there no APTO? Why is there no OSCAP?: Asia-Pacific security institutions in comparative perspective,” Contemporary Security Policy 22, số 2 (2001): 86.

[15] Stephen M. Walt, “Why alliances endure or collapse,” Survival 39, số 1 (1997): 157.

[16] Về sự khác biệt giữa cam kết chính thức và không chính thức trong quan hệ quốc tế xem thêm Charles Lipson, “Why are some international agreements informal?” International Organization 45, số 4 (1991): 495-538.

[17] Tất cả những quốc gia mà Đạo luật Viện trợ quốc tế năm 1961 (Foreign Assistance Act of 1961) quy định là “đồng minh lớn không thuộc khối NATO” (major non-NATO ally) nhưng không có hiệp ước liên minh với Mỹ được coi là đồng minh không chính thức của Mỹ.

[18] Keren Yarhi-Milo, Alexander Lanoszka và Zack Cooper, “To Arm or to Ally? The Patron’s Dilemma and the Strategic Logic of Arms Transfers and Alliances,” International Security 41, số 2 (2016): 100.

[19] Nền tảng của liên minh Mỹ – Israel là hai bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng. Liên minh không chính thức Mỹ – Israel thường được xem như một thoả hiệp với các nước Trung Đông thù địch với Israel. Xem thêm Shai Feldman, The Future of U.S.-Israel Strategic Cooperation (Washington D.C.: Washington Institute for Near East Policy, 1996): ix.

[20] Barry Posen, Restraint: A New Foundation for U.S. Grand Strategy (Ithaca: Cornell University Press, 2014): 105.

[21] Cha, “Powerplay,” 176.

[22] Về khái niệm “nước chiến trường”, xem thêm Ngô Di Lân, “Việt Nam: ‘Nước chiến trường’ trên bàn cờ Biển Đông,” Nghiên cứu quốc tế, ngày 19/11/2017, http://nghiencuuquocte.org/2017/11/19/viet-nam-nuoc-chien-truong-tren-ban-co-bien-dong/

[23] Xem thêm Christopher Hemmer và Peter Katzenstein, “Why Is There No NATO in Asia? Collective Identity, Regionalism, and the Origins of Multilateralism,” International Organization 56, số 3 (2002): 575-607.

[24] Cha, “Powerplay”, 167-168.

[25] Xem Brett Ashley Leeds, Jeffrey M. Ritter, Sara McLaughlin Mitchell, và Andrew G. Long, “Alliance Treaty Obligations and Provisions, 1815-1944,” International Interactions 28 (2002): 237-260.

[26] Đa số các liên minh được ký kết trong lịch sử đều là liên minh phòng thủ. Xem Brett Ashley Leeds, Jeffrey M. Ritter, Sara McLaughlin Mitchell, và Andrew G. Long, “Alliance Treaty Obligations and Provisions, 1815-1944,” International Interactions 28 (2002): 237-260.

[27] Số lượng căn cứ quân sự của Mỹ ở những nước trên được lấy từ trang web Militarybases.com

[28]Kristen Bialik, ” U.S. active-duty military presence overseas is at its smallest in decades,” Pew Research Center, ngày 22/8/2017, http://www.pewresearch.org/fact-tank/2017/08/22/u-s-active-duty-military-presence-overseas-is-at-its-smallest-in-decades/

[29] Trường hợp ngoại lệ là Hiệp ước liên minh Mỹ – Nhật đầu tiên (1951). Tại thời điểm đó Mỹ vẫn đang đô hộ Nhật Bản và nước này bị cấm vũ trang nên cam kết an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản là đơn phương và một chiều.

[30] Ankit Panda, “Mattis: Senkakus Covered Under US-Japan Security Treaty,” The Diplomat, ngày 6/2/2017, https://thediplomat.com/2017/02/mattis-senkakus-covered-under-us-japan-security-treaty/

[31] Ian Nicolas Cigaral, ” US commitment to defend Philippines in sea dispute uncertain,” Philstar Global, ngày 2/6/2018, https://www.philstar.com/headlines/2018/06/02/1820966/us-commitment-defend-philippines-sea-dispute-uncertain

[32] Thomas Wright, “Realism’s utopia: why academic realism almost never works in Washington”, Brookings, ngày 13/1/2016, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2016/01/13/realisms-utopia-why-academic-realism-almost-never-works-in-washington/

[33] Về lợi thế của Trung Quốc trong cạnh tranh Mỹ – Trung, xem thêm Ngô Di Lân. “Vì sao Mỹ thất bại ở Biển Đông?” Nghiên cứu quốc tế, ngày 24/4/2017, http://nghiencuuquocte.org/2017/04/24/vi-sao-my-that-bai-o-bien-dong/

[34] Xem John J. Mearsheimer và Stephen M. Walt, “The Case for Offshore Balancing: A Superior U.S. Grand Strategy,” Foreign Affairs 95, số 4 (2016): 70-83.

[35]Xem Nhung Bui, “Vietnam Should Abandon Non-Alignment Now,” The Diplomat, ngày 29/1/2016, https://thediplomat.com/2016/01/vietnam-should-abandon-non-alignment-now/; Alexander Vuving, “What Vietnam Can Offer America,” The National Interest, ngày 27/5/2017, https://nationalinterest.org/feature/what-vietnam-can-offer-america-20874

[36] TTXVN, “Chính sách ‘ba không’ của quốc phòng Việt Nam,” VNExpress, ngày 26/8/2010, https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/chinh-sach-ba-khong-cua-quoc-phong-viet-nam-2173776.html

[37] Quan điểm phổ thông trong giới học giả Mỹ cho rằng lợi ích cốt lõi của họ nằm ở tự do hàng hải. Bản thân các đảo và đá ở Biển Đông không có mấy giá trị về mặt chiến lược. Do đó Mỹ không nên tham chiến trừ khi Trung Quốc đe doạ sẽ phong toả hoàn toàn khu vực Biển Đông và biến vùng biển này thành một cái “ao” của Trung Quốc.

[38] Truong-Minh Vu và Ngo Di Lan, “This Is How to Stop China from Dominating the South China Sea,” The National Interest, ngày 8/4/2016, https://nationalinterest.org/blog/the-buzz/how-stop-china-dominating-the-south-china-sea-15732

[39] Một số chuyên gia người Mỹ như Lyle Goldstein thậm chí còn lo rằng các đồng minh như Philippines sẽ lợi dụng cam kết an ninh của Mỹ để khiêu chiến với Trung Quốc. Xem Lyle J. Goldstein, “The South China Sea Showdown: 5 Dangerous Myths,” The National Interest, ngày 29/9/2015, https://nationalinterest.org/feature/the-south-china-sea-showdown-5-dangerous-myths-13970

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages