Tóm tắt: Ngày tuyên án phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Tóm tắt: Ngày tuyên án phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm



29 bị cáo nghe tòa tuyên án, chiều 14/9. Ảnh: TTXVN

Như đã đưa tin, sau bốn ngày xét xử của phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày, Hội đồng Xét xử của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tạm ngưng phiên tòa từ chiều ngày 10/9/2020 để nghị án.Vào lúc 15:00 ngày 14/9/2020, phán quyết sơ thẩm đã được đưa ra.

Sau đây là chi tiết bản án và các diễn biến xung quanh.

Các mức án sơ thẩm



Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức về tội giết người.

Cùng bị truy tố tội giết người là Lê Đình Doanh bị tuyên mức án chung thân. Ba bị cáo khác với tội danh giết người nhận hình phạt tù từ 12-16 năm.

23 bị cáo còn lại bị truy tố với tội danh chống người thi hành công vụ. Trong đó 9 bị cáo nhận án tù từ 3-6 năm, 14 bị cáo nhận án tù treo từ 15-36 tháng.

So với mức án đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội, mức án của Hội đồng Xét xử chỉ khác biệt ở việc tuyên bảy bị cáo phải chịu án tù treo thay vì tù giam.

Đáng chú ý là trong khi tất cả các bị cáo đều bị tuyên án bằng hoặc nhẹ hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát, bị cáo Bùi Thị Nối lại bị tuyên phạt nặng hơn.

Mức án đề nghị của Viện Kiểm sát đối với Bùi Thị Nối là 4-5 năm tù. Mức án sơ thẩm Hội đồng Xét xử tuyên là 6 năm tù.




Bị cáo Bùi Thị Nối, con nuôi của ông Lê Đình Kình, người thiệt mạng trong đợt tấn công rạng sáng 9/1/2020, là người trong phiên xét hỏi của ngày thứ hai diễn ra phiên tòa đã công khai chất vấn ngược lại Hội đồng Xét xử: “Tại sao có luật pháp mà không thi hành? Tại sao không bắt bố Nối (tức cụ Kình) đàng hoàng, mà lại lừa ra đồng đánh gãy chân bố Nối?…”.

Khi chủ tọa hỏi đến lần thứ ba lý do bà mua xăng, bà Nối trả lời “Mua xăng để thiêu chết bọn tham nhũng!”

Nhận định của tòa

Theo tường thuật của Thanh Niên, Hội đồng Xét xử nhận định “đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm, coi thường pháp luật, tính mạng người dân.”


Các thẩm phán đánh giá “hành vi của các bị cáo là vô cùng dã man, tàn bạo, mất tính người.”

Theo thông tin từ Zing, Hội đồng Xét xử buộc mỗi bị cáo thuộc nhóm cầm đầu phải bồi thường 116 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân và chu cấp chi phí nuôi dưỡng các con của 3 nạn nhân cho đến khi họ đủ 18 tuổi.

Phản ứng của luật sư và người nhà bị cáo

Trao đổi với RFA, chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu ông Lê Đình Kình cho biết: “Thật ra em cũng không bất ngờ lắm vì chuẩn bị tinh thần trước biết chắc chắn rằng họ sẽ giữ nguyên bản án.

Các bước tiếp theo sẽ phải làm dần dần thôi chứ không thể nào thay đổi cục diện hay tâm trí của họ rồi. Chắc chắn họ sẽ ép người dân Đồng Tâm chịu cảnh ngục tù rất là lâu.”

Luật sư Nguyễn Văn Miếng trong khi đó nhận định: “Chưa có đủ căn cứ 3 người đó [công an] chết là do ông Công, ông Chức và những người khác. Bây giờ nếu chúng ta thêm hai án tử hình và một án chung thân nữa thì tôi cho rằng đó là một bản án không thuyết phục!”




Ông nêu quan điểm cần phải điều tra xem xét lại toàn bộ 4 cái chết đã xảy ra trong vụ án này.

Kháng cáo và diễn biến tiếp theo

Lê Đình Công và Lê Đình Chức, hai người bị tuyên án tử hình, đã cho biết sẽ kháng cáo.

Luật Khoa đã có bài phân tích tại đây về các diễn biến tiếp theo có thể xảy ra trong vụ án này.

Theo đó, nếu có bất kỳ bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của họ kháng cáo, vụ án sẽ bước vào giai đoạn phúc thẩm. Toàn bộ vụ án sẽ được đem ra xét xử lại tại tòa cấp trên, trong trường hợp này là Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Theo luật, thời hạn đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm có thể rơi vào khoảng tháng 12/2020 – tháng 01/2021.

Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, cả Viện Kiểm sát và bị cáo, luật sư đều có quyền bổ sung chứng cứ mới.

Luật sư, người nhà vẫn có quyền gặp các bị cáo. Các cá nhân, tổ chức khác (báo chí, tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế…) có thể làm đơn đề nghị thăm gặp bị cáo.


© Y Chan
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages