Milton Osborne - Các đập của Trung Hoa và hạn hán Mekong - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Milton Osborne - Các đập của Trung Hoa và hạn hán Mekong


Nguồn: Milton Osborne, Chinese dams and the Mekong drought | Lowy Institute – 11 August 2020. The environmental impact of China’s dam building upstream is undeniable. The silence from some quarters is surprising.
Lời người dịch: Tiến sĩ Milton Osborne hình như muốn bênh vực cho các phúc trình của Eyes on Earth và Trung tâm Stimson mà quên rằng chính Trung tâm Stimson cũng gián tiếp nhìn nhận rằng lượng mưa ở nhiều nơi trên thượng lưu vực thấp hơn trung bình, phù hợp với nhận xét của Ủy hội Sông Mekong và nghiên cứu của Đại học Tsinghua ở Trung Hoa. Ông cũng bỏ qua những thiếu sót quan trọng mà Australia-Mekong Partnership for Environmental Resources & Energy Systems (AMPERES) đã nhận xét về phúc trình Eyes on Earth.

Mực nước thấp kỷ lục trên sông Mekong chia cắt tỉnh Loei ở phía đông bắc Thái Lan, ở bên trái, với phía Lào được nhìn thấy ở bên phải, tháng 10 năm 2019. (Lillian Suwanrumpha/AFP via Getty Images)

Ảnh hưởng môi trường của các đập do Trung Hoa xây thì không thể chối cãi. Sự im lặng ở một vài nơi thì đáng ngạc nhiên.

Các phúc trình mới nhất từ Hạ lưu Mekong là nguyên nhân của mối lo ngại ngày càng tăng cho một thời kỳ hạn hán khác tiếp theo sau đợt hán hán năm 2019, ảnh hưởng đến Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam. Không có mưa trong cuối tháng 5 và suốt tháng 6 và 7, và mực nước trong sông quá thấp khiến cho dòng chảy của phụ lưu Tonle Sap ở Phnom Penh không đảo ngược như “bình thường” để đưa nước vào Biển Hồ. Trong Biển Hồ, mực nước thấp có ảnh hưởng tiêu cực đến số cá đánh được mà ngư dân nói là thấp nhất trong nhiều năm.




Viễn ảnh của một đợt hạn hán thảm khốc đến với việc công bố bằng chứng rằng đợt hạn hán 2019 xảy ra trong lúc Trung Hoa giữ lại nước trong một số đập trên sông Mekong. Cáo buộc nầy được làm nổi bật trong các bài viết quan trọng của Trung tâm Stimson ở Washington, quan trọng nhất là bằng chứng mới công bố trong tháng 4 và một bài viết trong Foreign Policy của Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (và tác giả quyển Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (The Last Days of the Mighty Mekong)|duyệt xét cho Mekong Review).

Bằng chứng chi tiết đàng sau các phúc trình dựa trên không ảnh thu thập bởi Eyes on Earth, một cơ quan dùng ảnh vệ tinh để theo dõi khí hậu. Kết quả rất đáng lo ngại vì chúng tương phản với các đợt hạn hán liên tục trong 2 thập niên qua gây thiệt hại trên khắp Hạ lưu Mekong. Thất mùa xảy ra nhiều lần, và có những lo ngại đặc biệt cho Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chánh quyền trong vùng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì tình trạng hạn hán đến sớm trong năm nay. Tình hình đáng lo ngại nầy trầm trọng thêm vì sự sụt giảm của phù sa chảy xuống hạ lưu, phù sa bị ngăn chận bởi 11 đập của Trung Hoa. Và có bằng chứng chắc chắn, nhưng rời rạc, rằng số cá đã giảm trong việc cung cấp chất đạm cho dân số trong khu vực.


Các cáo buộc chánh trong phúc trình của Stimson như sau:

· Trong khi hạn hán tàn phá Hạ lưu Mekong trong năm 2019, lượng mưa và tuyết tan ở Trung Hoa trên mức trung bình và dòng chảy từ mưa và tuyết tan hầu như được giữ lại ở phía sau các đập của Trung Hoa.
· Hành động của Trung Hoa là nguyên nhân của hạn hán trong một số năm.
· Trung Hoa đang ngăn chận nước nhiều hơn bao giờ hết.
· Hành động của Trung Hoa bao gồm việc xả nước thình lình, có thể liên kết với việc quản lý đập khi một số được hoàn tất.

Các kết luận nầy dựa trên dữ kiện của Eyes on Earth, cho phép ước tính chính xác điều gì xảy ra bên trong Trung Hoa và liên quan đến 11 đập trên thượng lưu Mekong. Họ đặt nghi vấn đối với thái độ căn bản của Trung Hoa đối với dòng sông.




Như phúc trình của Stimson quan sát, Trung Hoa xem Mekong như “một tài nguyên có chủ quyền thay vì một tài nguyên chung”. Thái độ nầy được phản ánh bởi sự kiện là Trung Hoa chưa bao giờ thừa nhận các quy ước có thể làm hại quyền kiểm soát tuyệt đối Mekong bên trong lãnh thổ của họ.

Không khó để thấy các hành động liên quan đến Mekong của Trung Hoa như một sự phản ánh các chánh sách ngoại giao rộng lớn hơn của họ. Và mặc dù Stimson đề nghị rằng các khám phá mới tạo cơ hội cho “cam kết hợp tác có thể biến các đập của Trung Hoa thành một giải pháp cho lần tới khi hạn hán quan trọng xảy ra trong khu vực”, quan điểm của tôi bi quan hơn. Trong 3 thập niên qua, chánh sách và hành động liên quan đến Mekong của Trung Hoa và cái xảy ra ở Hạ lưu Mekong được đánh dấu bởi tư lợi. Điều nầy áp dụng với việc từ chối gia nhập Ủy hội Sông Mekong và việc thành lập một cơ quan thay thế để đối phó với các vấn đề Mekong (Lancang-Mekong Cooperation), cùng với các chánh sách mà họ theo đuổi để tìm kiếm sự thuận lợi thương mại cho người Trung Hoa trong các kế hoạch khai thông dọc theo thủy lộ Mekong để khuyến khích mậu dịch đường thủy. Nay thì họ giữ lại nước vào lúc hạn hán tàn phá các lân bang cho thấy họ không muốn cải thiện hành động trong tương lai.


Văn phòng Ủy hội Sông Mekong ở Vientiane, Lào. [Ảnh: Mladen Antonov/AFP]

Các phản ứng đối với phúc trình đi từ có thể tiên đoán được đến ngạc nhiên. Như được mong đợi, các nhóm xã hội dân sự nắm lấy sự tiết lộ của Stimson để kêu gọi việc thay đổi chánh sách của Trung Hoa trong tương lai. Ngạc nhiên hơn là phản ứng nhanh của Ủy hội Sông Mekong đặt nghi vấn về giá trị của dữ kiện do Eyes on Earth phổ biến, lập luận rằng cần phải nghiên cứu thêm trước khi rút ra bất cứ kết luận nào. Điều nầy có vẻ như một phản ứng kỳ quặc của một cơ quan tranh đấu cho phúc lợi của Mekong.

Không ngạc nhiên khi thấy Global Times tường trình rằng một nghiên cứu của Trung Hoa cho rằng các đập do Trung Hoa xây trên Mekong có một vai trò quan trọng trong mùa mưa, tương phản với cái đã xảy ra trước khi mùa mưa đến.




Nghiên cứu nầy đã được hồi đáp chi tiết bởi Eyler trong một bài cậy đăng mới đây trên Bangkok Post.

Sau cùng, sự im lặng từ các chánh phủ của các quốc gia Hạ lưu Mekong rất đáng ngạc nhiên. Có lẽ Lào và Cambodia nay quá lệ thuộc vào Trung Hoa nên họ không lên tiếng, nhưng có vẻ hợp lý để mong đợi Việt Nam và Thái Lan tham gia vào mối lo ngại chung bắt nguồn từ các nhóm xã hội dân sự.

Sơ lược về tác giả

Tiến sĩ Milton Osborne là một Học giả của Viện Chánh sách Quốc tế Lowy. Ông có liên hệ với Đông Nam Á gần 60 năm từ khi làm việc ở Tòa Đại sứ Australia ở Phnom Penh năm 1959. Tốt nghiệp Đại học Sydney và Cornell (Huy chương Đại học và Học giả Fulbright, theo thứ tự) và giảng dạy ở Australia, Anh, Hoa Kỳ và Singapore.

Ông là tác giả của 11 quyển sách và nhiều bài viết về Á Châu gồm có: Southeast Asia: An Introductory History, tái bản lần thứ 12th; River Road to China: The Search for the Source of the Mekong (A New York Times ‘notable book’); The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future; và gần đây Pol Pot solved the Leprosy Problem. Năm 2014, ông được tuyên dương là Commandeur in the Ordre National du Mérite cho công tác của ông với giới chức Pháp và sự đóng góp trong việc nghiên cứu vai trò của Pháp ở Á Châu.



© Milton Osborne | Lowy Institute
    Bình Yên Đông lược dịch
    Mekong - Cửu Long
Nguồn: Milton Osborne, Chinese dams and the Mekong drought | Lowy Institute – 11 August 2020. The environmental impact of China’s dam building upstream is undeniable. The silence from some quarters is surprising.

Hình minh họa:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages