Phan Châu Trinh: từ ý thức hệ phong kiến đến dân chủ tư sản - Tin Tức Hàng Ngày Online -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Phan Châu Trinh: từ ý thức hệ phong kiến đến dân chủ tư sản


Phan Châu Trinh (1872-1926), là một nhà yêu nước, chủ xướng phong trào Duy Tân ở miền Trung từ năm 1905 đến 1908, chủ trương duy tân của ông là “Khai Dân trí, Chấn Dân khí, Hậu Dân sinh” với mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh, tiến tới giành độc lập dân tộc, từ một thiếu niên từng theo cha trong phong trào Cần Vương ở cuối thế kỷ XIX (1885-1887), rồi trở thành nhân vật lãnh đạo của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX (1905-1908) là một quá trình chuyển biến tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh…



Phan Châu Trinh (1872-1926), là một nhà yêu nước, chủ xướng phong trào Duy Tân ở miền Trung từ năm 1905 đến 1908, chủ trương duy tân của ông là “Khai Dân trí, Chấn Dân khí, Hậu Dân sinh” với mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh, tiến tới giành độc lập dân tộc, từ một thiếu niên từng theo cha trong phong trào Cần Vương ở cuối thế kỷ XIX (1885-1887), rồi trở thành nhân vật lãnh đạo của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX (1905-1908) là một quá trình chuyển biến tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh…

Từ năm 1885 đến 1902: Thời kỳ bế tắc tư tưởng

Phan Châu Trinh, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ở làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ (ngày nay là thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).
Năm 1885, đất nước xảy ra biến động lớn. Sau cuộc phản công của quân đội triều đình ở kinh đô Huế do nhóm quan lại chủ chiến, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, chỉ huy bị thất bại vào đêm mùng 5-7-1885 (23-5 âm lịch), vua Hàm Nghi đã xuất bôn ra Tân Sở (Quảng Trị) và ban bố dụ Cần Vương, kêu gọi nhân dân các nơi nổi dậy chống Pháp. Ở Quảng Nam, tổ chức Cần Vương được thành lập, thường gọi là Nghĩa hội do Trần Văn Dư và sau đó là Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo.

Cha của Phan Châu Trinh là ông Phan Văn Bình, một võ quan cấp thấp, tham gia phong trào Cần Vương, giữ chức Chuyển vận sứ, phụ trách việc vận chuyển lương thực cho căn cứ nghĩa quân ở miền thượng nguồn huyện Tiên Phước, giáp giới huyện Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam ngày nay. Vì quân Pháp càn quét, khủng bố làng quê, nên gia đình Phan Châu Trinh phải tản cư lên chiến khu ở với người cha. Ở chiến khu hơn hai năm, ông được người cha cho tập luyện võ nghệ, cung kiếm… nhằm mục đích trở thành một chiến sĩ Cần Vương thực thụ.




Năm 1887, xảy ra việc ông Phan Văn Bình bị sát hại, gia đình Phan Châu Trinh đành phải trở về quê nhà. Thời gian này, Nghĩa hội Quảng nam cũng tan vỡ trước sức tấn công dữ dội của quân đội Pháp và Nam triều, chủ tướng Nguyễn Duy hiệu phải ra hàng để cứu đồng đội và bị hành quyết ở Huế.

Trong thời gian từ 1885 đến 1902, tư tưởng của Phan Châu Trinh đã trải những khúc quanh bế tắc cùng với những bước thăng trầm của lịch sử.

Từ năm 1885-1887. Trong thời gian này, Phan ở với người cha tại chiến khu Dương Yên (Bắc Trà My), được rèn luyện võ nghệ, cung kiếm… để chuẩn bị trở thành một chiến sĩ Cần Vương thực thụ, trực tiếp tham gia chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Đây là thời kỳ hăm hở của một cậu thiếu niên sớm hiểu biết, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, nhưng tư tưởng cũng chỉ bó gọn trong ý thức hệ phong kiến với quan niệm cũ kỹ “trung quân, ái quốc” như hầu hết nho sĩ đương thời.

Từ năm 1887-1902. Sau khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thất bại, Phan Châu Trinh từ chiến khu trở về quê, đi học cho đến khi thi cử đỗ đạt (1887-1901), thời gian gần 15 năm. Trong khoảng thời gian đó Phan Châu Trinh sống trong tâm trạng bế tắc và bi phẫn. Phong trào Cần Vương thất bại, những người tham gia thì kẻ bị giết, kẻ bị tù đày hoặc sống trốn tánh, hay ra đầu thú chính quyền thực dân. Những nhà nho có tấm lòng ưu thời mẫu thế đối với đất nước đều phải sống ẩn dật với tâm trạng “thời vận tốt đã qua”.

Trải qua thực tiễn, Phan Châu Trinh nhận thấy phong trào Cần Vương đã hoàn toàn thất bại, vì đấu tranh vũ trang với vũ khí thô sơ thì không thể thắng được với vũ khí hiện đại của kẻ thù, nhưng bản thân ông cũng chưa tìm ra phương pháp, chưa biết hướng đi nào để cứu nước hiệu quả, đành phải ôm tấm lòng “cô trung” sống ẩn nhẫn chờ thời. Huỳnh Thúc Kháng nhận xét về Phan ở giai đoạn này: “Tiên sinh… ở trong nhà quê, chung quanh rành những xã hội hủ bại, bình sinh được thấy chỉ toàn một lớp tuồng đảng Cần Vương mà thôi. Nghe thấy đã hẹp hòi, lịch duyệt cũng chưa rộng, nhiều khi cảm xúc mà không bởi đâu mà mở mang ra, cho việc đời là không làm gì được (Thời sự vô khả vi) trong lòng uất ức thường làm ra thi văn để tỏ ý mình”. (1)




Có thể nói sau khi phong trào Cần Vương thất bại, tuy bế tắc về đường lối cứu nước, nhưng tư tưởng của Phan Châu Trinh cũng vẫn còn mang nặng ý thức hệ phong kiến, tôn thờ quân chủ như hầu hết các nho sĩ được nhào nặn nơi “cửa Khổng, sân Trình” lúc bấy giờ.

Từ 1903-1905: Thời kỳ tiếp nhận, thay đổi tư tưởng

Sau khi thi đỗ Phó bảng, năm 1903 ông được bổ nhiệm Thừa biện bộ Lễ tại kinh đô Huế. Việc ra sống ở kinh đô có thể nói là một bước ngoặt quan trọng trong sự thay đổi tư tưởng, đường lối cứu nước của Phan Châu Trinh.

Huế lúc bấy giờ là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Ở đây tập trung nhiều trí thức nho học, học giả tiếng tăm đương thời và có nhiều tân thư (sách mới) được du nhập từ nước ngoài vào. Nhưng đồng thời ở đây cũng là nơi diễn ra tất cả mọi thứ xấu xa của chế độ phong kiến bù nhìn, dưới sự thống trị của thực dân Pháp.

Buổi đầu khi mới ra kinh đô làm việc, vẫn còn mang nặng ý thức hệ phong kiến của một trí thức Nho học, nên có lẽ Phan còn chút hy vọng vào triều đình nhà Nguyễn trong việc chấn hưng đất nước. Nhưng trong hai năm tập sự tại Huế, Phan đã tận mắt chứng kiến sự hủ bại của triều đình. Vua chỉ là bù nhìn, quan lại thì ươn hèn, chỉ lo luồn cúi chiếm chức tước lợi danh, thi nhau đè nén, đục khoét dân lành. Vì vậy, sau một thời gian ở kinh đô, Phan đã hoàn toàn chấm dứt mọi hy vọng cải cách ở cái triều đình hủ bại, bù nhìn này. “Thấy được rõ ràng, biết hẳn rằng công việc cải cách to lớn, không trông mong vào một bọn danh lợi cùng lão hủ đó. Những điều chiêm bao lăng miếu triều đình ngày xưa không còn giây dính trong óc chút nào…” (2)

Trong thời gian ở Huế, Phan Châu Trinh được một số trí thức tiến bộ như Phan Trọng Huê, Đào Nguyên Phổ… cho mượn nhiều sách mới viết về chính trị, lịch sử của phương Tây được dịch ra chữ Hán như: Trung Đông chiến ký, Phổ - Pháp chiến ký, Doanh hoàn chi lược, Âu Châu thập nhất quốc du ký, Vạn quốc sử cương mục, hoặc các sách do các học giả Trung Quốc, Nhật Bản biên soạn như: Mậu Tuất chính biến, Trung Quốc hồn, Âm băng thất, Nhật Bản tam thập niên duy sử… Ngoài ra còn có sách của các nhà triết học, tư tưởng tiến bộ Pháp ở thế kỷ XVIII như Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, Montesquieu… cũng được dịch sang Hán văn như: Vạn pháp tinh lý, Dân ước luận…




Tân thư đã làm cho Phan Châu Trinh hoàn toàn thay đổi về tư tưởng, từ một trí thức Nho học với ý thức hệ phong kiến, ông đã chuyển hẳn sang ý thức hệ dân chủ tư sản. Sự thay đổi có thể nói là một cuộc cách mạng về ý thức hệ: Từ tư tưởng quân chủ sang tư tưởng dân chủ. Đọc và tâm đắc với học thuyết mới ở tân thư, Phan Châu Trinh hầu như dứt khoát đoạn tuyệt với ý thức hệ cũ trước đây, như lời Huỳnh Thúc Kháng đã thuật lại: “Tiên sinh được học thuyết đó như một trận gió mát thấu vào trong óc, thổi sạch cả những đám mây mù che đậy thuở nay…” (3)


Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật ở Pháp
Trong nhiều sách mới mà Phan Châu Trinh đã đọc, hai tác phẩm đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chuyển đổi tư tưởng của ông là Dân ước luận (còn gọi là Khế ước xã hội) của Jean-Jacques Rousseau và Vạn pháp tính lý (còn gọi là Tinh thần pháp luật) của Montesquiau. Nội dung Dân ước luận đề cập đến vấn đề bình đẳng xã hội và muốn xã hội bình đẳng thì người dân phải đóng vai trò quản lý xã hội thông qua bầu cử, xóa bỏ vai trò độc tôn quyền lực của vua chúa; còn Van pháp tinh lý thì đề cập đến việc phân chia quyền lực thành 3 bộ phận độc lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) trong bộ máy nhà nước để tránh nạn độc tài, chuyên chế. Có thể nói hai tác phẩm quan trọng của hai nhà triết học, tư tưởng trong trào lưu triết học “Khai sáng” ở Pháp vào thế kỷ XVIII, đã làm thay đổi hoàn toàn não trạng của Phan Châu Trinh; từ một nhà Nho với tư tưởng tôn thờ quân chủ, ông đã hoàn toàn “lột xác” để trở thành một con người mới với tư tưởng tôn thờ dân chủ.

Tư tưởng dân chủ đã giúp ông nhìn nhận chính xác thực trạng của đất nước, tìm ra con đường cứu nước phù hợp với giai đoạn lịch sử những năm đầu thế kỷ XX, đó là con đường vận động duy tân, tự lực tự cường, làm cho dân giàu nước mạnh để tiến tới mưu cầu độc lập. Duy tân có nghĩa là đổi mới. Đổi mới ở đây là đổi mới ý thức hệ tư tưởng từ quân chủ sang dân chủ, cho nên mới có thể nói cuộc duy tân đầu thế kỷ XX là một cuộc cách mạng về ý thức hệ. Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh và các đồng chí khởi xướng dựa trên nền tảng, chủ thuyết dân chủ (ngày trước các chiến sĩ tiến bộ thường gọi là dân quyền), đối tượng đóng vai trò chính của công cuộc duy tân là nhân dân (dân chủ). Và Phan Châu Trinh đã trở thành chiến sĩ cách mạng dân chủ tiên phong ở nước ta, truyền bá tư tưởng dân chủ đến nhân dân, như người bạn đồng khoa là Nguyễn Sinh Huy đã từng khẳng định sau ngày Phan qua đời: “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức” (ông là người nước Nam đầu tiên đề xướng dân quyền) (4).

Từ một thiếu niên theo cha tham gia phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, đến thủ lĩnh của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, là một quá trình chuyển biến về tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh. Từ đấu tranh theo ý thức hệ phong kiến, ông đã chuyển sang đấu tranh theo ý thức hệ dân chủ tư sản. Bước chuyển biến về tư tưởng của ông đã phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, và tư tưởng Duy Tân với phương châm “Khai Dân trí, Chấn Dân khí, Hậu dân sinh” ở đầu thế kỷ XX, vẫn còn giá trị cơ bản cho đến ngày nay.


© Cao Văn Thức
    Tạp chí Xưa và Nay số 493 tháng 3 năm 2018
    Chúng Ta
Chú thích:
  1. Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Anh Minh xuất bản, Huế, 1959, tr. 15
  2. Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, sđd, tr. 15
  3. Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, sđd, tr. 16
  4. Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 2006, tr. 77

Tài liệu tham khảo
  1. Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Anh Minh xuất bản, Huế, 1959
  2. Phan Bội Châu, Tự phán, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000
  3. Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1957
  4. Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006
  5. Chương Thâu, Phan Châu Trinh – về tác giả và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007
  6. Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1970
  7. Huỳnh Lý, Phan Châu Trinh thân thế và sự nghiệp, NXB Đà Nẵng, 1993
  8. Huỳnh Lý, Thơ văn Phan Châu Trinh, NXB Văn học, Hà Nội, 1983
  9. Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh – Cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, Hà Nội, 2006
  10. Sở KH, CN và MT tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Kỷ yếu hội thảo khoa học Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, NXB Đà Nẵng, 1993
  11. Lê Thị Kính (Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (2 tập), NXB Đà Nẵng, 2001
  12. Anh Minh Ngôn Thanh Nhân, Ngũ Hành Sơn chí sĩ, Anh Minh xuất bản, Huế, 1961

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages